BẢN TIN BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐIỆN TỬ THÁNG 10/2020

Ngày đăng: 04:53 PM 19/10/2020 - Lượt xem: 1355

BẢN TIN BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐIỆN TỬ THÁNG 10/2020

Mục lục bài viết

I. Đề xuất cải cách chính sách tiền lương, BHXH phù hợp với tình hình KT-XH của đất nước
II. Nhiều thay đổi lớn về chính sách BHXH năm 2021
III. Nỗ lực thực hiện các giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT
IV. Đẩy mạnh đổi mới phương thức thanh toán bảo hiểm y tế
V. hời gian giải quyết BHXH một lần sau khi nghỉ việc
VI. Quản lý và sử dụng chứng thư số, dịch vụ chứng thực chữ ký số trong ngành BHXH Việt Nam

I. Đề xuất cải cách chính sách tiền lương, BHXH phù hợp với tình hình KT-XH của đất nước

Đại diện Vụ Tiền lương, Bộ Nội vụ cho biết, trong bối cảnh kinh tế khó khăn vì dịch Covid-19, dự kiến năm 2021 sẽ không thể thực hiện đề án tăng lương theo vị trí việc làm và theo lộ trình như tính toán cho nhóm cán bộ công chức, hưởng lương nhà nước.

Đề án có thể phải giãn lùi do ảnh hưởng từ dịch bệnh

Trong thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã nhiều lần bàn thảo, thể hiện quyết tâm cải cách tiền lương, đặc biệt là nâng lương cho đội ngũ công chức, viên chức (CCVC) làm việc tại khu vực Nhà nước.

Vào tháng 5/2020, Chính phủ đã họp Ban chỉ đạo cải cách tiền lương (CCTL) quốc gia, thể hiện quyết tâm trong việc thực hiện CCTL trong năm 2021. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã có báo cáo Quốc hội về Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, CCVC, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Về vấn đề này, vụ trưởng Vụ Tiền lương Đoàn Cường cho hay, tới nay, Bộ Nội vụ cũng chưa có đánh giá ảnh hưởng cụ thể của việc dừng tăng lương cơ sở tới các nhóm đối tượng có quyền lợi. Trước những tác động bất lợi từ dịch COVID-19, đề án cải cách tiền lương cũng có thể sẽ phải được giãn lùi cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội.

Khó khăn về nguồn lực để cải cách tiền lương

Đại diện Vụ Tiền lương cũng nói rằng, do tình hình có nhiều thay đổi, sự ảnh hưởng sâu rộng của dịch COVID-19, Bộ Nội vụ đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công trình Chính phủ để trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định lộ trình thực hiện các quy định cụ thể về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, CCVC và lực lượng vũ trang phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Sau khi có ý kiến kết luận của Bộ Chính trị, các cơ quan chức năng theo thẩm quyền ban hành các văn bản quy định chế độ tiền lương mới thực hiện thống nhất đối với cán bộ, CCVC và lực lượng vũ trang thay thế chế độ tiền lương hiện hành.

"Đề án trả lương theo vị trí việc làm theo Nghị quyết 27/NQ/TW dự kiến chưa thể thực hiện được ngay, sẽ phải lùi lại do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19. Về tiến độ và lộ trình, đơn vị vẫn đang chờ đợi, căn cứ vào tình hình cụ thể để báo cáo sau. Hiện tại cũng không thể nói trước được điều gì, cả nước đang tập trung ổn định kinh tế xã hội. Kế hoạch năm 2021 sẽ họp Hội đồng Tiền lương quốc gia và có sự điều chỉnh" - ông Cường thông tin.

Cũng theo chia sẻ, nếu muốn cải cách tiền lương phải tạo nguồn, xác định đi đôi với cải cách bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao năng suất lao động. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế - xã hội đang phải đối mặt với những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra thì rất khó có nguồn lực để cải cách tiền lương.

Trước đó, ngày 5/8, tại Hà Nội, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp phiên thứ 2. Với 9/13 phiếu đồng thuận, hội đồng đã quyết định không tăng lương tối thiểu năm 2021.

(Nguồn: Tphcm.baohiemxahoi.gov.vn; Xem chi tiết tại đây)

Về mục lục

II. Nhiều thay đổi lớn về chính sách BHXH năm 2021

Có 3 quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) mới nhất 2021 với những thay đổi liên quan đến lương hưu. Những sự thay đổi này chủ yếu xuất phát từ việc tăng tuổi nghỉ hưu theo Bộ Luật Lao động 2019.

Năm 2021 vẫn áp dụng Luật BHXH năm 2014, tuy nhiên có một số điều, khoản của Luật này sẽ được thay đổi trong năm tới. Bộ Luật Lao động 2019 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Bảo BHXH hiện hành, cụ thể:

  1. Điều kiện hưởng lương hưu đối với người tham gia BHXH bắt buộc

1.1. Người lao động, cán bộ, công chức khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Nam đủ 60 tuổi 3 tháng; nữ đủ 55 tuổi 4 tháng (trước đây là 60 tuổi với nam; 55 tuổi với nữ).
  • Nam đủ 55 tuổi 3 tháng, nữ đủ 50 tuổi 4 tháng và có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1/1/2021.

(Trước đây nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và không quy định phải làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn)

  • Nam đủ 50 tuổi 3 tháng; nữ đủ 45 tuổi 4 tháng và có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò (trước đây từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi)
  • Người bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao (trước đây không quy định "khi thực hiện nhiệm vụ")

1.2. Quân nhân chuyên nghiệp, sĩ quan, hạ sĩ quan nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên được hưởng lương hưu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Nam đủ 55 tuổi 03 tháng, nữ đủ 50 tuổi 4 tháng, trừ trường hợp Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Công an nhân dân, Luật Cơ yếu, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng có quy định khác (trước đây nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi)
  • Nam từ đủ 50 tuổi 3 tháng, nữ từ đủ 45 tuổi 4 tháng, có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1/1/2021

(Trước đây nam từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi, nữ từ đủ 45 tuổi đến đủ 50 tuổi và không quy định phải làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn).

  • Người bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao (trước đây không quy định "khi thực hiện nhiệm vụ").

1.3. Lao động nữ là cán bộ, công chức cấp xã hoặc là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia BHXH khỉ nghỉ việc mà có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng BHXH và nam đủ 60 tuổi 3 tháng, nữ đủ 55 tuổi 4 tháng.

(Trước đây không quy định đối tượng lao động nữ là cán bộ, công chức cấp xã; tuổi nghỉ hưu là đủ 55 tuổi).

  1. Điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động đối với người tham gia BHXH bắt buộc (Điều 55)

2.1. Người lao động, cán bộ, công chức, viên chức khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu nêu trên nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Nam đủ 55 tuổi 3 tháng và nữ phải đủ 50 tuổi 4 tháng, khi bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81% (trước đây nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi).
  • Nam đủ 50 tuổi 3 tháng và nữ phải đủ 45 tuổi 4 tháng khi bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên (trước đây nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi).
  • Có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

2.2. Quân nhân chuyên nghiệp, sĩ quan, hạ sĩ quan khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu nêu trên khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Nam đủ 55 tuổi 3 tháng, nữ đủ 50 tuổi 4 tháng (trước đây nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi)
  • Có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
  1. Điều kiện hưởng lương hưu đối với người tham gia BHXH tự nguyện (Điều 72)

Công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì được tham gia BHXH tự nguyện để hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.

Từ ngày 1-1-2021, người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

  • Đủ 60 tuổi 3 tháng với nam, 55 tuổi 4 tháng với nữ (trước đây đủ 60 tuổi với nam, 55 tuổi với nữ).
  • Đủ 20 năm đóng BHXH trở lên.

(Nguồn: Tapchitaichinh.vn; Xem chi tiết tại đây)

Về mục lục

III. Nỗ lực thực hiện các giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT

BHXH Việt Nam vừa có Công văn số 3027/BHXH-BT gửi BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về thực hiện công tác thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) trong những tháng cuối năm 2020.

BHXH Việt Nam cho biết, thời gian qua, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã nỗ lực thực hiện các giải pháp thu, thu nợ, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Nhờ đó, đến hết tháng 8/2020, toàn ngành BHXH đã thu đạt 60,3% kế hoạch; nhiều địa phương có số người tham gia cao so với kế hoạch BHXH Việt Nam giao như: Kon Tum, Hà Tĩnh, Hải Dương, Bắc Ninh, Nghệ An.

Tuy nhiên, số tiền nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp 8 tháng năm 2020 cao hơn so với cùng kỳ năm 2019. Nhiều địa phương có số người tham gia BHXH, BHYT bắt buộc đạt tỷ lệ thấp so với kế hoạch được giao. Công tác quản lý thu, cấp mã số BHXH còn bộc lộ một số hạn chế, yếu kém...

Nguyên nhân là do BHXH tỉnh, thành phố chưa thực sự nỗ lực, còn thụ động, chưa bám sát chỉ đạo của BHXH Việt Nam. Cá biệt, cán bộ làm công tác thu, sổ thẻ tại một số địa phương chưa tuân thủ nghiêm các quy trình, quy định về chuyên môn nghiệp vụ đã được BHXH Việt Nam ban hành.

Để khắc phục những hạn chế trên, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát, phân loại đối tượng chưa tham gia BHXH. Hằng tuần, tháng, xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu và phân công lãnh đạo, cán bộ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, hệ thống đại lý thu triển khai công tác tuyên truyền, vận động, phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu được giao đầu năm và chỉ tiêu phấn đấu bổ sung.

Bên cạnh đó, cơ quan BHXH phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý lao động, cơ quan cấp phép thành lập doanh nghiệp và các đơn vị liên quan khai thác đối tượng tham gia BHXH, BHYT bắt buộc.

Quyết liệt thực hiện việc rà soát, khai thác, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp từ dữ liệu do cơ quan Thuế cung cấp theo Công văn số 3045/BHXH-BT ngày 20/8/2019 hướng dẫn rà soát, điều tra, khai thác đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp.

Trong công tác thu, cơ quan BHXH các cấp cần tăng cường thực hiện thanh tra chuyên ngành đột xuất đối với doanh nghiệp nợ từ 3 tháng trở lên, đơn vị chưa đóng hoặc đóng chưa đầy đủ cho người lao động. Đồng thời, thực hiện chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để xử lý kịp thời đối với đơn vị cố tình vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; phấn đấu năm 2020 ít nhất mỗi BHXH tỉnh, thành phố có 01 vụ việc được cơ quan điêu tra xử lý trong tổng số hồ sơ đã chuyển sang cơ quan công an...

(Nguồn: Tapchitaichinh.vn; Xem chi tiết tại đây)

Về mục lục

IV. Đẩy mạnh đổi mới phương thức thanh toán bảo hiểm y tế

Yên Bái, Quảng Ninh và Cần Thơ là ba địa phương được Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam lựa chọn thực hiện thí điểm Đề án phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) theo định suất và theo nhóm chẩn đoán liên quan (DRG).

Thực hiện Công văn số 4768/BYT-KHTC ngày 8/9/2020 của Bộ Y tế và Kế hoạch số 217/KH-STY, mới đây, tại Yên Bái, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã đồng chủ trì tổ chức đào tạo cho các đối tượng cán bộ quản lý, cán bộ nòng cốt tại cơ sở triển khai phương thức thanh toán chi phí KCB BHYT theo định suất và DRG.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn - cho biết, việc đổi mới phương thức thanh toán KCB BHYT đã trở thành mục tiêu chiến lược trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT tại Việt Nam, giúp bảo đảm quyền lợi hài hòa cũng như tổ chức thực hiện chính sách BHYT hiệu quả. Đổi mới phương thức thanh toán chi phí KCB BHYT theo định suất và DRG trong giai đoạn hiện nay không chỉ thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn của Chính phủ, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam, mà còn lan tỏa tới các đơn vị tổ chức thực hiện như: Sở Y tế, BHXH các tỉnh, thành phố nhằm bảo đảm thực hiện nhiệm vụ hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong thời gian tới.

Để triển khai hiệu phương thức mới này các địa phương, lãnh đạo BHXH tỉnh và Sở Y tế các đia phương phải thể hiện quyết tâm, ý trí chính trị tổ chức thực hiện nhằm đạt được 4 mục tiêu: Thay đổi được nhận thức từ cơ quan quản lý nhà nước trở xuống trong việc quản lý Quỹ KCB BHYT; đối với các bệnh viện thay đổi nhận thức sử dụng hiệu quả Quỹ KCB sao cho hợp lý, hiệu quả, đảm bảo chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT; thay đổi hành vi, thấm nhuần trong mỗi cán bộ, y bác sĩ trong các cơ sở khám chữa bệnh và thay đổi hành vi đầu tư đúng hướng, nâng chất lượng dịch vụ y tế, nâng cao sự hài lòng của người dân cũng như chủ thể tham gia BHYT, phù hợp với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các định hướng, chiến lược phát triển của hai ngành Y tế và ngành Bảo hiểm xã hội.

Theo đề nghị của ông Phạm Lương Sơn, sau chương trình đào tạo tại Yên Bái, nhóm chuyên gia, tổ kỹ thuật Bộ Y tế và BHXH Việt Nam sẽ phải hoàn thiện ngay dự thảo các văn bản, hoàn thiện hỗ trợ phần mềm và tiếp tục hỗ trợ Yên Bái trong việc triển khai thực hiện phương thức thanh toán chi phí KCB BHYT theo định suất và DRG sao cho đạt hiêu quả nhất.

(Nguồn: Tapchitaichinh.vn; Xem chi tiết tại đây)

Về mục lục

V. Thời gian giải quyết BHXH một lần sau khi nghỉ việc

Khi người lao động nộp đủ hồ sơ thì cơ quan bảo hiểm phải giải quyết và chi trả tiền bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần trong thời hạn 10 ngày

Sau khi nghỉ việc, nhiều người lao động chọn nhận BHXH một lần thay vì chờ đủ tuổi để nhận lương hưu. Tuy nhiên, người lao động cần cân nhắc trước khi quyết định nhận chế độ này.

Quy định hưởng BHXH một lần

Theo quy định tại Điều 60 Luật BHXH 2014, người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc có yêu cầu thì được hưởng BHXH một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH hoặc cán bộ, công chức nữ cấp xã hoặc lao động nữ là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn nghỉ việc mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện; Ra nước ngoài định cư; Người đang mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV…; Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn… phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.

Ngoài những trường hợp nêu trên, khoản 1, Điều 8 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP còn bổ sung thêm 1 trường hợp người lao động sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH và không tiếp tục đóng BHXH có yêu cầu thì được hưởng BHXH một lần.

Để quy định cụ thể hơn, khoản 1, Điều 1 Nghị quyết số 93/2015/QH13 nêu rõ, người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia BHXH tự nguyện sau 1 năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH khi có yêu cầu thì được nhận BHXH một lần.

Căn cứ quy định trên có thể thấy, sau khi nghỉ việc 1 năm mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH và có yêu cầu thì được hưởng BHXH một lần. Nếu thuộc các trường hợp còn lại thì người lao động sẽ được nhận BHXH một lần mà không cần đợi đủ 1 năm tính từ ngày nghỉ việc.

Thời gian giải quyết chi trả 

Theo khoản 4, Điều 110 Luật BHXH 2014, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ với người hưởng BHXH một lần, cơ quan BHXH có trách nhiệm giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động. Nếu không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Do đó, khi người lao động nộp đủ hồ sơ thì cơ quan bảo hiểm phải giải quyết và chi trả tiền bảo hiểm một lần trong thời hạn 10 ngày. Trong đó, hồ sơ để giải quyết BHXH một lần được nêu tại Điều 109 Luật BHXH gồm: Sổ BHXH; Đơn đề nghị hưởng BHXH 01 lần của người lao động.

Riêng người ra nước ngoài định cư thì phải nộp thêm: Bản dịch tiếng Việt được chứng thực hoặc công chứng Hộ chiếu do nước ngoài cấp, thị thực có xác nhận việc cho phép nhập cảnh với lý do định cư ở nước ngoài hoặc bản sao giấy xác nhận về việc thôi quốc tịch Việt Nam…

Đối với người đang mắc bệnh nguy hiểm tới tính mạng phải có thêm trích sao hồ sơ bệnh án…

Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, theo khoản 2 Điều 2 Quyết định số 166/QĐ-BHXH, người có nhu cầu nộp hồ sơ tại cơ quan BHXH quận/huyện hoặc cơ quan BHXH tỉnh (trong trường hợp BHXH được phân cấp giải quyết hưởng BHXH một lần) tại nơi cư trú (nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú).

 (Nguồn: Tapchitaichinh.vn; Xem chi tiết tại đây)

Về mục lục

VI. Quản lý và sử dụng chứng thư số, dịch vụ chứng thực chữ ký số trong ngành BHXH Việt Nam

Ngày 22/9/2020, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1166/QĐ-BHXH về ban hành Quy chế cung cấp, quản lý và sử dụng chứng thư số, dịch vụ chứng thực chữ ký số trong ngành BHXH. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01/10/2020 và thay thế Quyết định số 54/QĐ-BHXH ngày 05/01/2018.

Theo đó, Quyết định số 1166/QĐ-BHXH quy định, nội dung chứng thư số gồm: Tên của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số; Tên của thuê bao; Số hiệu chứng thư số; Thời hạn có hiệu lực của chứng thư số; Khóa công khai của thuê bao; Chữ ký số của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số; Các hạn chế về mục đích, phạm vi sử dụng của chứng thư số; Các hạn chế về trách nhiệm pháp lý của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số; Thuật toán mật mã; Các nội dung cần thiết khác theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Thời hạn có hiệu lực của chứng thư số cho thuê bao cấp mới là 5 năm. Đối với chứng thư số gia hạn, thời hạn có hiệu lực được gia hạn tối đa là 3 năm.

Về sử dụng chữ ký số trong các giao dịch chuyển tiền, Quyết định quy định, chữ ký số sử dụng trong các giao dịch điện tử với BHXH Việt Nam là chữ ký số tương ứng với chứng thư số được tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cấp hoặc được cấp bởi tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị.

Việc sử dụng chữ ký số trong thanh toán song phương điện tử tập trung và trao đổi dữ liệu về thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp giữa các đơn vị ngành BHXH với ngân hàng thương mại nơi mở tài khoản được thực hiện theo thỏa thuận giữa BHXH Việt Nam với từng hệ thống ngân hàng thương mại. Trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh thay đổi các thông tin liên quan đến chữ ký số nhân danh hệ thống mình, thì bên có thay đổi phải thông báo cho bên kia chậm nhất trước 1 tháng kể từ thời điểm áp dụng thay đổi.

Bên cạnh đó, Quyết định cũng quy định các nội dung liên quan tới dịch vụ chứng thực chữ ký số; điều kiện cấp mới chứng thư số; hồ sơ cấp chứng thư số; trình tự, thủ tục cấp chứng thư số; Điều kiện gia hạn, thay đổi nội dung chứng thư số; Trình tự, thủ tục gia hạn, thay đổi nội dung thông tin chứng thư số…

Ngoài ra, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng yêu cầu Trung tâm công nghệ thông tin cung cấp, quản lý các thuê bao chứng thư số trong phạm vi toàn ngành BHXH; đồng thời, hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị quản lý trực tiếp thuê bao trong quá trình quản lý, sử dụng chứng thư số, thiết bị lưu khóa bí mật, dịch vụ chứng thực chữ ký số và việc thực hiện các quy định tại Quy chế này…

(Nguồn: Tapchitaichinh.vn; Xem chi tiết tại đây)

Về mục lục

đăng ký nhận bản tin định kỳ

Kết nối với chúng tôi:

Facebook