BẢN TIN BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐIỆN TỬ THÁNG 07/2020

Ngày đăng: 08:15 PM 19/08/2020 - Lượt xem: 1851

MỤC LỤC BÀI VIẾT

I.Hướng dẫn thông báo cho Bkav khi gặp vấn đề cần hỗ trợ

II. BHYT – chính sách xã hội nhân văn, nhân đạo sâu sắc

III. Hướng dẫn chế độ thai sản với lao động nam là người nước ngoài

IV. TP. Hà Nội: Triển khai nhiều giải pháp bảo đảm quyền lợi người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp

V. Sửa đổi, bổ sung một số điều về dịch vụ kỹ thuật y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT

VI. Điểm sáng thực hiện BHXH: Đổi thẻ bảo hiểm y tế trong vòng 5 phút

VII. Thực hiện nghiêm luật BHYT hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân

VIII. Từ 15/07/2020: Trình tự thủ tục quyết định áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN

IX. Phép màu từ “Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm”

I. Hướng dẫn thông báo cho Bkav khi gặp vấn đề cần hỗ trợ

Trong quá trình kê khai Bảo hiểm xã hội điện tử trên Bkav IVAN, nếu gặp vấn đề cần hỗ trợ, Quý Khách hàng vui lòng thực hiện theo 1 trong 4 cách dưới đây:

  • Cách 1: (cách nhanh nhất để được hỗ trợ hiệu quả): Chat trực tiếp tại link https://m.me/BkavIVAN hoặc https://zalo.me/4458938702350836836.
  • Cách 2: Gửi mail tới Trung tâm Chăm sóc khách hàng Bkav CA qua địa chỉ BkavCA@bkav.com với nội dung mà Bạn cần hỗ trợ, Bkav sẽ phản hồi lại Bạn trong thời gian sớm nhất.
  • Cách 3: Liên hệ tổng đài 1900 1854.
  • Cách 4: Xử lý vấn đề đang gặp phải theo các bước đơn giản trong bài hướng dẫn tại https://noptokhai.vn/ivan/huong-dan hoặc tìm kiếm thông tin hướng dẫn về nghiệp vụ, cách sử dụng phần mềm tại https://hotro.bkav.com.

Về mục lục

II. BHYT – chính sách xã hội nhân văn, nhân đạo sâu sắc

BHYT là chính sách an sinh xã hội nhân văn, nhân đạo và rất cần sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội để thực hiện tốt chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật về BHYT của Nhà nước.

Nhờ tham gia và có thẻ BHYT, nhiều trường hợp không may bị tai nạn, ốm đau đã vượt qua giai đoạn khó khăn khi có quỹ BHYT chi trả các chi phí khám, điều trị; thậm chí chi phí khám chữa bệnh (KCB) lên tới hàng tỷ đồng/người/đợt điều trị.

Lợi ích to lớn khi tham gia BHYT

Ngày 14/11/2008, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật BHYT, đồng thời Chính phủ quyết định lấy ngày 1/7 hằng năm là Ngày BHYT Việt Nam. Đây là một dấu mốc quan trọng, một bước tiến mới trong quá trình hoàn thiện chính sách pháp luật về BHYT. Từ đó, chính sách pháp luật về BHYT ngày càng được hoàn thiện với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT ban hành năm 2014.

Theo đó, BHYT là hình thức bảo hiểm để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân không vì mục đích lợi nhuận, do Nhà nước tổ chức thực hiện và toàn dân tham gia để bảo vệ sức khỏe cho mỗi người khi chẳng may ốm đau, tai nạn, nhằm bảo đảm an sinh xã hội. BHYT mang lại công bằng về chăm sóc sức khỏe cho mọi người, đặc biệt là người nghèo, người cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa. Tham gia BHYT là cách tốt nhất để mọi người giúp nhau chia sẻ rủi ro khi bị ốm đau, bệnh tật.

Chính sách BHYT được thiết kế với rất nhiều quyền lợi dành cho người tham gia như: Trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT miễn phí; Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí khi tham gia (với các đối tượng thuộc hộ nghèo; hộ cận nghèo; tham gia theo hộ gia đình; người dân tộc thiểu số; học sinh, sinh viên;…); được KCB tại các cơ sở y tế có ký hợp đồng KCB BHYT trên toàn quốc; được lựa chọn cơ sở KCB gần địa chỉ nơi đang sinh sống để đăng ký KCB ban đầu và có thể thay đổi nơi đăng ký KCB ban đầu vào tháng đầu mỗi quý;…

Trong những năm gần đây, việc mở rộng quyền lợi hưởng BHYT giúp cho người có thẻ BHYT tiếp cận tối đa các dịch vụ kỹ thuật y tế tiên tiến. Hiện nay, hầu hết thuốc, dịch vụ kỹ thuật đều được Quỹ BHYT chi trả khi KCB đúng tuyến. Với mức đóng không cao nhưng khi không may mắc bệnh, kể cả những bệnh hiểm nghèo, phải chi phí lớn, người tham gia BHYT sẽ được khám, chữa bệnh chu đáo, không phân biệt giàu nghèo. Người có thẻ BHYT khi đi KCB đúng tuyến được Quỹ BHYT chi trả 80%, 95% hoặc 100% chi phí khám chữa bệnh tùy thuộc vào nhóm đối tượng. Thực hiện khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT giúp người nghèo và cận nghèo bớt đi gánh nặng chi tiêu cho gia đình khi ốm đau.

Không những giúp người tham gia BHYT giảm gánh nặng về chi phí KCB khi ốm đau, tai nạn, đặc biệt đối với những trường hợp bệnh nặng, bệnh mãn tính điều trị kéo dài hay những bệnh cần phẫu thuật... mà chính sách BHYT còn góp phần chia sẻ rủi ro, phát huy tinh thần ''lá lành đùm lá rách" giữa những người tham gia BHYT.

Quyền lợi người tham gia BHYT luôn được bảo đảm theo quy định

Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, nhờ tham gia và có thẻ BHYT, nhiều trường hợp không may bị tai nạn, ốm đau đã vượt qua được giai đoạn khó khăn khi có quỹ BHYT chi trả các chi phí khám và điều trị bệnh, thậm chí có những người bệnh có chi phí KCB lên tới hàng tỷ đồng/đợt điều trị.

Minh chứng cho điều này, chỉ tính từ đầu năm 2019 đến ngày giữa tháng 6 năm 2020, theo thống kê trên Hệ thống Thông tin giám định BHYT của BHXH Việt Nam, Quỹ BHYT đã chi trả cho 58 bệnh nhân có tổng chi phí trên 1 tỷ đồng/đợt điều trị nội trú; 12 bệnh nhân có tổng chi phí từ trên 2 tỷ đồng/đợt điều trị.

Đơn cử, bệnh nhân có mã thẻ HT279793186XXXX (BHXH TP.HCM phát hành), quyền lợi hưởng BHYT 100%, KCB ban đầu tại Bệnh viện 30/4 đã điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy từ ngày 12/07/2019 đến ngày 26/08/2019 với chẩn đoán Sốc (choáng) nhiễm khuẩn. Tổng chi phí KCB BHYT của bệnh nhân này là 2,02 tỷ đồng.

Bệnh nhân có mã thẻ HN230302189XXXX (BHXH tỉnh Hải Dương phát hành) thuộc đối tượng do ngân sách nhà nước đóng, quyền lợi hưởng BHYT 100%, KCB ban đầu tại Trạm y tế xã Hồng Quang - Hải Dương, chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - Hà Nội từ ngày 11/12/2018 - 18/10/2019 với chẩn đoán bệnh lý cơ tim, suy tim. Tổng chi phí KCB BHYT của bệnh nhân này là 2,1 tỷ đồng.

Và mới đây, một bệnh nhân ở huyện Gò Quao (tỉnh Kiên Giang) nhờ có tham gia BHYT nên được Quỹ BHYT chi trả 100% chi phí với tổng số tiền hàng chục tỉ đồng. Đó là trường hợp của anh Danh Văn (30 tuổi, ngụ huyện Gò Quao) - giáo viên Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Tiên Hải (TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang). Anh Danh Văn không may bị gãy chân, được Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang chuyển tuyến lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) nhập viện điều trị từ ngày 19/11/2019 đến 17/1/2020 với chẩn đoán thiếu yếu tố VIII di truyền (Hemophilia). Quá trình điều trị, quỹ BHYT đã chi trả 80% chi phí điều trị là 7,9 tỉ và bệnh nhân cùng chi trả 20%, tương đương trên 1,5 tỉ đồng. Theo quy định, người tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (lương cơ sở hiện hành là 1.490.000 đồng), tương đương 8.940.000 đồng thì lần khám chữa bệnh lần sau khi đi đúng tuyến sẽ được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh nằm trong danh mục được BHYT chi trả, do đó, BHXH tỉnh Kiên Giang đã thẩm định và chi trả lại số tiền đóng 20% của bệnh nhân là 1,5 tỉ đồng. Tổng số tiền mà quỹ BHYT cùng chi cho bệnh nhân Danh Văn là 9,4 tỉ đồng. Theo BHXH tỉnh, đây cũng là trường hợp được quỹ BHYT chi trả cao nhất trên địa bàn.

Chính sách BHYT đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò là một trong những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội; là cơ chế tài chính y tế quan trọng giúp người dân khi bị ốm đau không bị rơi vào cảnh nghèo đói. Thời gian tới, BHXH Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHYT, hướng tới hoàn thành mục tiêu thực hiện BHYT toàn dân; tăng cường truyền thông về tính nhân văn, nhân đạo của chính sách BHYT... Từ đó, nâng cao nhận thức về quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành chính sách, pháp luật BHYT nhằm hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân./

(Nguồn: Baohiemxahoi.gov.vn; Xem chi tiết tại đây)

Về mục lục

III. Hướng dẫn chế độ thai sản với lao động nam là người nước ngoài

Bộ LĐ-TB&XH vừa ban hành Công văn 2161/LĐTBXH-BHXH về việc thực hiện chế độ thai sản với lao động nước ngoài.

Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH xác định:

Chế độ thai sản đối với lao động là công dân nước ngoài tham gia BHXH bắt buộc tại Việt Nam được quy định tại Điều 7 Nghị định 143/2018/NĐ-CP ngày 15/10/2018 quy định chi tiết Luật BHXH và Luật An toàn, vệ sinh lao động về BHXH bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Cụ thể, tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 143/2018/NĐ-CP quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản thực hiện theo quy định tại Điều 31 Luật BHXH, bao gồm cả trường hợp lao động nam đang đóng BHXH có vợ sinh con.

Về mức trợ cấp một lần, Điều 38 Luật BHXH quy định “trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia BHXH thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con”.

Như vậy, căn cứ vào các quy định nêu trên thì trường hợp lao động nam là người nước ngoài tham gia BHXH có vợ sinh con và không tham gia BHXH ở Việt Nam thì thuộc đối tượng trợ cấp một lần theo quy định tại Điều 38 Luật BHXH.

(Nguồn: Baohiemxahoi.gov.vn; Xem chi tiết tại đây)

Về mục lục

IV. TP. Hà Nội: Triển khai nhiều giải pháp bảo đảm quyền lợi người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp

Ngày 24/6, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT – UBND TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020.

Theo đó, trong sáu tháng đầu năm nay, Thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên địa bàn. Tính đến thời điểm 31/5, tỷ lệ bao phủ BHYT của Hà Nội đạt 86,29% dân số, số tham gia BHYT là 6.949.847 người, giảm 50.324 người so với tháng 12/2019.

Trong khi đó, số người tham gia BHXH bắt buộc là 1.722.520 người, giảm 37.897 người so với tháng 12/2019; đạt tỷ lệ 87,8%. Số người tham gia BH thất nghiệp là hơn 1,6 triệu người, đạt 94,2% số người thuộc diện tham gia.

Số người tham gia BHXH tự nguyện là 37.200 người , tăng 1.837 người so với tháng 12 năm 2019. Tốc độ gia tăng BHXH tự nguyện so với năm 2019 đạt 5,19%.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, công tác thanh tra, kiểm tra chỉ thực hiện trong hai tháng đầu năm nay với 105 đơn vị nợ BHXH. Tính đến hết tháng 5, có 53.083 đơn vị nợ với tổng số tiền nợ BHXH phải tính lãi là 1.851 tỷ đồng (tăng 937 tỷ đồng so với tháng 12/2019).

Thành phố cũng ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với 191 cơ sở khám chữa bệnh từ tuyến Trung ương đến tuyến y tế cơ sở có đủ điều kiện để tổ chức khám chữa bệnh, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT… Trong 5 tháng đầu năm 2020, đã có gần 3,9 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT với chi phí khám, chữa bệnh BHYT đề nghị thanh toán là 7.296 tỷ đồng.

Về nhiệm vụ trọng tâm sáu tháng cuối năm 2020, UBND Thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã… tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Cụ thể, nâng tỷ lệ bao phủ BHYT năm 2020 đạt 90,1%. Tỷ lệ lao động tham gia BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp đạt 95% số người thuộc diện tham gia. Tốc độ gia tăng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đạt 30% so với năm 2019. Mục tiêu đặt ra là tỷ lệ nợ đóng BHXH trên địa bàn Hà Nội bằng hoặc thấp hơn tỷ lệ nợ bình quân của cả nước. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT; phòng chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT. Bảo đảm việc chi trả các chế độ BHXH, BHTN...

(Nguồn: Baohiemxahoi.gov.vn; Xem chi tiết tại đây)

Về mục lục

V. Sửa đổi, bổ sung một số điều về dịch vụ kỹ thuật y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 13/2020/TT-BYT ngày 22/6/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2016/TT-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với dịch vụ kỹ thuật y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT.

Thông tư 13/2020/TT-BYT hướng dẫn sửa đổi khoản 1 Điều 1 về Danh mục chuyên môn kỹ thuật trong khám, chữa bệnh ban hành kèm theo Thông tư số 43/2013/TT-BYT ngày 11/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Thông tư số 21/2017/TT- BYT ngày 10/5/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tể sửa đổi, bổ sung danh mục kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh ban hành kèm theo Thông tư số 43/2013/TT-BYT ngày 11/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

Danh mục phân loại phẫu thuật, thủ thuật ban hành kèm theo Thông tư số 50/2014/TT-BYT ngày 26/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc phân loại phẫu thuật, thủ thuật và định mức nhân lực trong từng ca phẫu thuật, thủ thuật.

Các dịch vụ kỹ thuật y tế đã được Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt thực hiện tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mà chưa có trong Thông tư số 43/2013/TT-BYT, Thông tư số 50/2014/TT-BYT, Thông tư số 21/2017/TT-BYT.

Đồng thời, hướng dẫn sửa đổi:

  • Mục 4 của Danh mục 1 - Dịch vụ kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính 64 dãy đến 128 dãy có quy định cụ thể điều kiện, tỷ lệ và mức giá thanh toán bằng giá DVKT, trường hợp chụp từ hai vị trí trở lên thanh toán tối đa bằng giá DVKT “Chụp cắt lớp vi tính toàn thân”.
  • Mục 5 của Danh mục 1 - Dịch vụ kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính từ 256 dãy trở lên có quy định cụ thể điều kiện, tỷ lệ và mức giá thanh toán bằng giá DVKT.
  • Mục 7 của Danh mục 1 - Dịch vụ kỹ thuật chụp PET/CT có quy định cụ thể điều kiện, tỷ lệ và mức giá thanh toán 01 lần bằng giá DVKT cho lần chẩn đoán đầu tiên.
  • Mục 66 của Danh mục 2 - Dịch vụ kỹ thuật chụp động mạch vành có quy định cụ thể điều kiện thanh toán đối với các trường hợp sau:
    • a) Nhồi máu cơ tim cấp có ST chênh lên;
    • b) Đau thắt ngực không ổn định;
    • c) Nhồi máu cơ tim không có ST chênh lên;
    • d) Đau thắt ngực ổn định nhưng điều trị nội khoa tối ưu không khống chế được triệu chứng;
    • đ) Sau cấp cứu ngừng tuần hoàn;
    • e) Đau ngực tái phát sau can thiệp động mạch vành hoặc sau phẫu thuật làm cầu nối;
    • g) Suy tim không rõ nguyên nhân;
    • h) Người bệnh có rối loạn nhịp nguy hiểm (nhịp nhanh thất, block nhĩ thất);
    • i) Người bệnh có chỉ định phẫu thuật tim, mạch máu lớn, tuổi > 45 đối với nam hoặc > 50 đối với nữ; Người bệnh có chỉ định ghép tạng;
    • k) Các dị tật bẩm sinh, mắc phải về hệ mạch vành.
  • Mục 84 của Danh mục 2 - Dịch vụ kỹ thuật y tế Định lượng HbA1c [Máu] để xác định phác đồ điều trị hoặc để đánh giá kết quả điều trị bệnh đái tháo đường có quy định cụ thể điều kiện thanh toán cho xét nghiệm định lượng HbA1c trong máu đối với trường hợp đã được chẩn đoán xác định đái tháo đường để xác định phác đồ điều trị nếu chưa thực hiện xét nghiệm HbA1c trong vòng 90 (chín mươi) ngày. Thanh toán cho xét nghiệm từ lần thứ 2 trở đi để đánh giá kết qua điều trị bệnh đái tháo đường tối thiểu sau mỗi 90 (chín mươi) ngày.
  • Sửa đổi, bổ sung Mục 87, 88 Danh mục 2 - Dịch vụ kỹ thuật y tế HBV đo tải lượng Real-time PCR; HBV đo tải lượng hệ thống tự động và HCV đo tải lượng Real-time PCR; HCV đo tải lượng hệ thống tự động có quy định cụ thể điều kiện thanh toán khi được bác sỹ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đơn vị điều trị viêm gan chỉ định.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 10/08/2020./.

 (Nguồn: Baohiemxahoi.gov.vn; Xem chi tiết tại đây)

Về mục lục

VI. Điểm sáng thực hiện BHXH: Đổi thẻ bảo hiểm y tế trong vòng 5 phút

Hàng loạt thay đổi, cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin mà Bảo hiểm xã hội TPHCM áp dụng trong thời gian qua đã đem đến nhiều thuận lợi cho người dân, người lao động, nhất là với những người có thẻ bảo hiểm y tế trên địa bàn.

Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM, từ giữa tháng 4.2020, cơ quan BHXH đã bắt đầu triển khai thủ tục gia hạn thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình và tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện thông qua các ứng dụng như: E-banking trên website, phần mềm trên thiết bị di động và trên website của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV Online, BIDV Smart Banking, BIDV Business Online) đối với cá nhân và tổ chức có tài khoản tại Ngân hàng BIDV. Với ứng dụng này, người dân không cần phải đến cơ quan BHXH mà vẫn dễ dàng thao tác ở bất cứ nơi đâu…

“Rất thuận tiện cho người dân” - đó là nhận xét của bà Lê Thị Hoa (ngụ tại quận Tân Bình, TPHCM) sau khi đến BHXH TPHCM làm lại thẻ BHYT trong đợt cao điểm dịch COVD-19 vừa rồi. Bà Hoa tham gia BHYT hộ gia đình đã nhiều năm qua, đợt vừa rồi không biết sơ ý thế nào bị mất thẻ. Bà liền tức tốc kêu người nhà chở đến BHXH TPHCM để làm lại. Xuất trình toàn bộ giấy tờ liên quan cho Bộ phận Một cửa, bà Hoa ra sảnh ngồi chờ.

Chừng khoảng 5 phút sau, bà Hoa đã nghe gọi đến tên mình. Cán bộ BHXH giao tận tay bà tấm thẻ BHYT mới, phẳng phiu. Bà Hoa chia sẻ: “Cứ nghĩ là như trước, đổi thẻ hay làm lại thẻ BHYT tôi phải chờ 1-3 ngày. Bây giờ không chỉ nhanh mà là quá nhanh. Như thế này thuận tiện cho người dân quá, nhất là những người lớn tuổi đi lại khó khăn như tôi”.

Ông Nguyễn Minh Châu - Chánh Văn phòng BHXH TPHCM - cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Ban giám đốc, chúng tôi đã bố trí, sắp xếp để công tác cấp mới, rà soát cấp lại, in thẻ BHYT làm sao nhanh chóng, thuận tiện nhất cho người dân. Đó là việc ưu tiên, phân loại các đối tượng để xử lý kịp thời như người cấp cứu, bệnh nặng, người cao tuổi, già yếu… BHXH TPHCM cũng bố trí riêng một máy in, photo “trực chiến” ngay khu vực giao dịch với người dân. Khi đầy đủ các dữ liệu cần thiết, chúng tôi sẽ lập tức cho in và trả thẻ BHYT cho người dân tại chỗ. Vì vậy, thời gian qua, công tác này được người dân hài lòng, đánh giá cao…”.

Được biết, mục tiêu của TPHCM trong năm 2020 là phấn đấu đạt tỉ lệ bao phủ BHYT 91% dân số (tương đương 8.250.000 người có thẻ BHYT). Chính vì vậy, những sự cải tiến, ứng dụng công nghệ thông tin đã tạo điều kiện cho người dân tham gia BHYT cũng như tạo điểm nhấn vô cùng quan trọng cho nỗ lực của ngành.

(Nguồn: Tphcm.Baohiemxahoi.gov.vn; Xem chi tiết tại đây)

Về mục lục

VII. Thực hiện nghiêm luật BHYT hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân

Bộ Y tế vừa ban hành Công văn số 3368/BYT-BHYT ngày 19/6/2020 về việc tăng cường truyền thông về chính sách, pháp luật BHYT và kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 01/7/2020 với chủ đề truyền thông năm 2020 là: “Thực hiện nghiêm luật BHYT hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân”.

Theo đó, thực hiện Quyết định số 823/QĐ-TTg ngày 16/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc lấy ngày 01 tháng 7 hàng năm là “Ngày BHYT Việt Nam”; nhằm tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền về chính sách pháp luật BHYT, bảo đảm thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật BHYT hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân và chăm sóc sức khỏe toàn dân, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các sở, ngành liên quan quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các hoạt động sau:

  • Sở Y tế, BHXH tỉnh, thành phố phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch truyền thông, tuyên truyền về BHYT, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân tham gia BHYT gắn với việc thực hiện chỉ tiêu phát triển BHYT được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016 - 2020 nhằm duy trì tỷ lệ tham gia BHYT của tỉnh, thành phố đã đạt được và tiếp tục bao phủ phần dân số chưa tham gia BHYT; trong đó, đặc biệt tuyên truyền để 100% đối tượng học sinh, sinh viên tham gia BHYT, tăng tỷ lệ hộ gia đình tham gia BHYT với toàn bộ thành viên.
  • Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường thanh tra, kiểm tra phòng chống hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT; nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ BHYT.
  • Sở Y tế, BHXH tỉnh, thành phố phối hợp với các sở, ban, ngành có các biện pháp truyền thông, tuyên truyền phù hợp, hiệu quả để người dân hiểu rõ về quyền lợi, trách nhiệm khi tham gia BHYT và khám chữa bệnh BHYT.
  • Sở Y tế phối hợp với BHXH tỉnh, thành phố thực hiện các hoạt động truyền thông nhân Ngày BHYT Việt Nam 01/7/2020 với các hình thức phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương như: mít tinh, hội thảo, tọa đàm, đăng tin bài, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng…; tổ chức treo các băng rôn, biểu ngữ tuyên truyền về BHYT với các thông điệp truyền thông chủ yếu sau:
    • Nâng cao chất lượng KCB BHYT, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, hướng tới BHYT toàn dân;
    • Tham gia BHYT để chăm lo sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng;
    • Thực hiện BHYT hộ gia đình để chăm sóc sức khỏe cho mọi thành viên trong gia đình;
    • Thực hiện nghiêm Luật BHYT nhằm đảm bảo an sinh xã hội và sự phát triển bền vững;
    • Tham gia BHYT là trách nhiệm và quyền lợi của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi tổ chức và cả cộng đồng;

BHYT là chính sách an sinh xã hội, do nhà nước tổ chức thực hiện./.

(Nguồn: Baohiemxahoi.gov.vn; Xem chi tiết tại đây)

Về mục lục

VIII. Từ 15/07/2020: Trình tự thủ tục quyết định áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN

Ngày 27/05/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 58/2020/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/07/2020, về việc Quy định mức đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ Bảo hiểm Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Theo đó, mức đóng BHXH cho người lao động vào Quỹ Bảo hiểm Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bình thường là 0,5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH (áp dụng đối với cả công chức, viên chức lực lượng vũ trang thuộc các cơ quan Đảng, Nhà nước...). Trường hợp doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện theo quy định, có để áp dụng mức đóng thấp hơn là 0,3% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.

Theo đó, người sử dụng lao động có nhu cầu áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ Bảo hiểm Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc trực tuyến hoặc qua đường Bưu điện theo quy định tại Điều 6 Nghị định này về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của người sử dụng lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm: Gửi văn bản đến Sở Lao động - Thươn binh và Xã hội đề nghị đánh giá về tình hình chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; Thực hiện đăng tải thông tin của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức lên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để lấy ý kiến rộng rãi trong vòng ít nhất 10 ngày; Tổ chức thẩm định, quyết định việc áp dụng mức đóng mới thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; gửi hoặc trả kết quả trực tiếp hoặc trực tuyến hoặc qua đường bưu điện cho doanh nghiệp và cơ quan BHXH để tổ chức thực hiện; Trường hợp không đủ điều kiện áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường thì phải trả lời cho người sử dụng lao động và nêu rõ lý do.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có thẩm quyền thu hồi, hủy bỏ Quyết định điều chỉnh, áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ Bảo hiểm Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong trường hợp:

  • Người sử dụng lao động có hành vi giả mạo hoặc khai man các tài liệu trong Hồ sơ đề xuất được áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
  • Người sử dụng lao động vi phạm quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và BHXH ở mức bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trong thời gian được áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
  • Người sử dụng lao động không thực hiện báo cáo tai nạn lao động, báo cáo công tác an toàn, vệ sinh lao động trong thời gian được áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ Bảo hiểm Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
  • Tổ chức đánh giá an toàn, vệ sinh lao động có hành vi gian lận làm thay đổi các điều kiện làm căn cứ đề nghị giảm mức đóng quy định.

Người sử dụng lao động có hành vi trên, có trách nhiệm hoàn trả phần tiền đóng chênh lệch với mức đóng bình thường đã được giảm trong thời gian thực hiện Quyết định điều chỉnh, áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ Bảo hiểm Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; thực hiện mức đóng bằng 1% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH trong thời gian 36 tháng kể từ khi Quyết định điều chỉnh, áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hết hiệu lực do bị thu hồi, hủy bỏ; người sử dụng lao động vi phạm theo quy định có trách nhiệm thực hiện mức đóng bình thường vào Quỹ Bảo hiểm Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bằng 0,5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH kể từ khi Quyết định điều chỉnh, áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ Bảo hiểm Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hết hiệu lực do bị thu hồi, hủy bỏ.

(Nguồn: Hanoi.baohiemxahoi.gov.vn; Xem chi tiết tại đây)

Về mục lục

IX. Phép màu từ “Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm”

Đã có hàng ngàn lượt người bệnh được cấp giấy miễn đồng chi trả. Đặc biệt với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư, chạy thận… phải điều trị lâu dài tốn kém chỉ mong sao tiết kiệm được đồng nào hay đồng nấy thì tấm giấy miễn đồng chi trả giống như cứu cánh.

Nếu mức hưởng BHYT của người bệnh là dưới 100%, tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục thì sau khi khám chữa bệnh BHYT đúng tuyến, số tiền đồng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm từ 6 tháng lương cơ sở trở lên thì được cấp giấy miễn đồng chi trả. Và từ đó đến hết năm tài chính, những lần sau đi khám chữa bệnh, người bệnh sẽ được hưởng mức 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT.

Chính sách này của BHYT đã được quy định rõ ràng trong các văn bản Luật và Thông tư hướng dẫn, được dán thông báo tại nhiều bệnh viện, và triển khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Không chỉ những người bệnh mà các bác sỹ cũng đánh giá cao tính thiết thực, nhân văn của chính sách này. Vì vậy, cần tiếp tục tuyên truyền để chính sách này đến được với nhiều người hơn. Dưới đây là những thông tin cơ bản mà người sử dụng thẻ BHYT cần biết về giấy miễn đồng chi trả.

Giấy miễn đồng chi trả là gì?

Có các mức hưởng BHYT 100%, 95%, 80% dành cho các đối tượng người tham gia BHYT khác nhau đi khám chữa bệnh đúng tuyến. Trong đó, mức hưởng 95%, 80% trên tổng số chi phí khám chữa bệnh thuộc phạm vi BHYT có mức cùng trả của người bệnh tương ứng là 5%, 20%. Để chia sẻ gánh nặng tài chính cho những trường hợp tham gia BHYT liên tục trong thời gian dài và mắc bệnh phải điều trị tốn kém, BHYT có chính sách cấp giấy miễn đồng chi trả trong năm để nâng mức hưởng lên 100% đối với những trường hợp đủ điều kiện.

Trường hợp nào đủ điều kiện được cấp giấy miễn đồng chi trả?

Trước hết, những thẻ BHYT có mức hưởng 100% (ví dụ các đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi, người có công, người dân xã đảo, đối tượng bảo trợ xã hội…) không phải đối tượng được cấp giấy miễn đồng chi trả.

Những thẻ BHYT có mức hưởng 95%, 80%, đáp ứng đủ ba điều kiện:

  • (1) tham gia BHYT từ 05 năm liên tục trở lên tính đến thời điểm đi khám chữa bệnh,
  • (2) có số tiền đồng chi trả trong một năm (tính từ 01/01 đến 31/12) từ 6 tháng lương cơ sở trở lên (hiện nay, mức lương cơ sở là 1,490,000 tương đương 8,940,000 đồng )
  • (3) thực hiện khám chữa bệnh đúng tuyến.

Giấy miễn đồng chi trả có thời hạn trong bao lâu?

Giấy miễn đồng chi trả có giá trị sử dụng khi thẻ BHYT có giá trị sử dụng và thời hạn là trong năm tài chính.

Thủ tục để được cấp giấy miễn đồng chi trả?

Người bệnh liên hệ với cơ quan BHXH nơi cấp thẻ BHYT cho mình để làm thủ tục cấp giấy miễn đồng chi trả. Hồ sơ gồm CMND, thẻ BHYT ghi nhận quá trình tham gia 5 năm liên tục và hóa đơn tài chính phát sinh trong cùng một năm.

Khi nào người bệnh được thanh toán tiền chênh lệch?

Người bệnh có số tiền đồng chi trả trong một năm (tính từ 01/01) trên 6 tháng lương cơ sở trở lên sẽ được nhận lại khoản tiền chênh lệch được tính như sau:

Số tiền đồng chi trả - 6 tháng lương cơ sở = Khoản tiền chênh lệch được lãnh.

Nếu người bệnh đang nằm viện hoặc chẳng may qua đời?

Nếu người bệnh vẫn đang nằm viện hoặc chẳng may qua đời trong quá trình điều trị người nhà vẫn có thể mang những giấy tờ liên quan đến cơ quan BHXH để làm thủ tục cấp giấy miễn đồng chi trả và thanh toán phần chênh lệch trong năm. 

(Nguồn: Tphcm.Baohiemxahoi.gov.vn; Xem chi tiết tại đây)

Về mục lục

đăng ký nhận bản tin định kỳ

Kết nối với chúng tôi:

Facebook