BẢN TIN BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐIỆN TỬ THÁNG 08/2020
(Thực hiện bởi Công ty Cổ phần Bkav)
MỤC LỤC BÀI VIẾT
I.Xem xét tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất đến hết 12/2020 với doanh nghiệp, người lao động khó khăn
Đây là nội dung đáng chú ý được Chính phủ nêu tại Nghị quyết số 105 ngày 14/7/2020 về phiên họp Chính phủ trực tuyến với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2020.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu BHXH Việt Nam nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất trong thời gian tối đa 12 tháng với đơn vị, người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trước mắt là đến hết tháng 12/2020.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi sản xuất, kinh doanh như:
-
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng triệt để tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất các khoản vay hiện hữu và các khoản cho vay mới; đơn giản hóa quy trình, thủ tục, hồ sơ nhằm tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay; nghiên cứu, triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng cho vay phù hợp đối với từng loại hình doanh nghiệp.
Bộ Công Thương phối hợp với bộ, ngành, địa phương có giải pháp đồng bộ tăng năng lực cạnh tranh hàng hóa Việt Nam; xây dựng, triển khai các chương trình giảm giá, kích cầu tiêu dùng; phát triển các kênh phân phối, tận dụng cơ hội đẩy mạnh thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển mạnh thị trường trong nước và xuất khẩu.
-
Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo Chính phủ các vấn đề đã được quyết nghị như giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020, gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đến hết năm 2020. Xem xét mở rộng đối tượng, sắc thuế và kéo dài thời gian được gia hạn nộp thuế phù hợp. Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Nghị định để thi hành Nghị quyết của Quốc hội về giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Chính phủ ban hành trong tháng 8 năm 2020.
-
Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo Chính phủ trong tháng 7 năm 2020 để trình Quốc hội việc miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
-
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tập trung triển khai hiệu quả các chương trình kích cầu du lịch nội địa. Đồng thời đẩy mạnh quảng bá hình ảnh Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn của thế giới để phục hồi du lịch quốc tế khi điều kiện cho phép.
-
Các địa phương khẩn trương tổ chức triển khai công tác lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; thực hiện tốt công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, ưu tiên quỹ đất để thu hút các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Nghị quyết được ban hành ngày 14/07/2020./.
(Nguồn: Baohiemxahoi.gov.vn; Xem chi tiết tại đây)
Về mục lục
II. Chuyên gia nhập cảnh Việt Nam từ ngày 05/08/2020 phải có BHYT quốc tế
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 vừa ban hành Công văn 3949/CV-BCĐ về việc tăng cường đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 cho chuyên gia nhập cảnh Việt Nam làm việc.
Theo đó, các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố phải thông báo cho các đơn vị mời chuyên gia vào làm việc đảm bảo chuyên gia có BHYT quốc tế hoặc cơ quan, tổ chức mời chuyên gia cam kết chi trả chi phí điều trị trong trường hợp bị mắc Covid-19.
Chuyên gia được xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Real time-PCR trong thời gian từ 03 đến 07 ngày trước ngày nhập cảnh vào Việt Nam. Xét nghiệm SARS-CoV-2 phải được thực hiện tại phòng xét nghiệm do Chính phủ phê duyệt hoặc thuộc hệ thống phòng xét nghiệm của Tổ chức Y tế thế giới.
Đơn vị mời chuyên gia chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 khi mời chuyên gia vào làm việc.
Công văn này không áp dụng đối với các chuyên gia đã có vé và sẽ nhập cảnh vào Việt Nam trước ngày 05/08/2020./.
(Nguồn: Baohiemxahoi.gov.vn; Xem chi tiết tại đây)
Về mục lục
III. Không phải mặc nhiên được hưởng chế độ dưỡng sức sau thai sản
Thời gian vừa qua, có rất nhiều bạn đọc gọi điện thoại hoặc gửi email đến chuyên mục Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động hỏi với cùng một nội dung sau khi nghỉ hết thời gian hưởng chế độ thai sản, bạn đọc nghỉ phép hay nghỉ không lương thêm một thời gian, rồi đề nghị công ty cho nghỉ hưởng chế độ dưỡng sức sau thai sản.
Điều đáng nói, nhiều công ty đã đồng ý làm thủ tục để người lao động được hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản mà có khi không biết mình đã thực hiện không đúng quy định của pháp luật. Luật sư Nguyễn Hữu Học, Đoàn Luật sư TPHCM, cho biết Điều 41, Luật BHXH năm 2014 quy định về dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản như sau:
-
Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 33, khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 của Luật này, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khoẻ chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.
-
Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe quy định tại khoản 1 Điều này do người sử dụng lao động và Ban chấp hành công đoàn cơ sở (BCH CĐCS) quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa thành lập CĐCS thì do người sử dụng lao động quyết định. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được quy định như sau:
-
Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên;
-
Tối đa 07 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật;
-
Tối đa 05 ngày đối với các trường hợp khác.
-
Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.
Luật sư Học phân tích: Theo quy định trên, để được hưởng chế độ dưỡng sức sau thai sản thì cần phải hội đủ hai điều kiện.
-
Thứ nhất, ngay sau khi nghỉ hết thời gian hưởng chế độ thai sản, người lao động (NLĐ) phải đi làm trở lại.
-
Thứ hai, nếu trong vòng 30 ngày đầu tiên đi làm trợ lại mà sức khỏe chưa phục hồi thì mới được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ chứ không phải mặc nhiên NLĐ sau khi nghỉ hết chế độ thai sản sẽ được hưởng chế độ dưỡng sức sau thai sản.
(Nguồn: Tphcm.baohiemxahoi.gov.vn; Xem chi tiết tại đây)
Về mục lục
IV. Trường hợp nào người tham gia BHYT 5 năm liên tục được thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh?
Thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục là thời gian sử dụng ghi trên thẻ bảo hiểm y tế lần sau nối tiếp lần trước, trường hợp gián đoạn tối đa không quá 03 tháng.
Khi người tham gia BHYT đã có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (trừ trường hợp tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến) sẽ được cấp “Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm” và được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT trong phạm vi chi trả quỹ BHYT cho các lần khám chữa bệnh tiếp theo.
Khi được cấp giấy chứng nhận này, người tham gia BHYT không phải thanh toán phần cùng chi trả 5% hoặc 20% chi phí KCB (chỉ áp dụng đối với trường hợp đi KCB đúng tuyến).
Điều kiện hưởng BHYT 5 năm liên tục:
Theo đó, để được thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh, người bệnh phải đáp ứng đủ 03 điều:
-
Một là, thẻ BHYT 5 năm liên tục trở lên, trên thẻ BHYT có dòng chữ: “Thời điểm đủ 05 năm liên tục: Từ …/…/…”.
-
Hai là, có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở.
-
Ba là, khám chữa bệnh đúng tuyến, thì được chi trả 100% chi phí điều trị nằm trong danh mục được BHYT chi trả.
Ví dụ: Trường hợp người bệnh chạy thận nhân tạo có tổng chi phí khám chữa bệnh đúng quy định của quỹ BHYT là 300 triệu đồng/năm, khi người bệnh này chưa đủ điều kiện được cấp “Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm” thì sẽ phải cùng chi trả 20% chi phí KCB BHYT tương ứng với 60 triệu đồng. Nhưng nếu người bệnh đã được cấp “Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm” thì số tiền cùng chi trả 60 triệu đồng này, cơ quan BHXH sẽ hoàn trả theo quy định.
Thủ tục hưởng BHYT 5 năm liên tục:
Người có đủ điều kiện hưởng BHYT 5 năm liên tục phải chuẩn bị 1 bộ hồ sơ gồm:
Sau khi có đủ các giấy tờ này, người bệnh lập phiếu giao nhận hồ sơ (PGNHS) mẫu 502/…./CS-BHYT (PGNHS này có trên trang web của BHXH Thành phố Hồ Chí Minh).
Để thuận tiện cho công tác giám định, không gây chậm trễ hồ sơ, khi đi khám, chữa bệnh, người bệnh nên lưu giữ hóa đơn, chứng từ cẩn thận làm căn cứ để cơ quan BHXH giải quyết chế độ, đảm bảo quyền lợi của mình.
(Nguồn: Tphcm.baohiemxahoi.gov.vn; Xem chi tiết tại đây)
Về mục lục
V. Từ ngày 21/08/2020, học viên đào tạo sĩ quan dự bị được tham gia BHYT
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định 79/2020/NĐ-CP quy định chế độ, chính sách trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên. Đáng chú ý, học viên đào tạo sĩ quan dự bị được tham gia BHYT khi đáp ứng một số yêu cầu.
Cụ thể, Khoản 5, Điều 7 của Nghị định nêu: Học viên đào tạo sĩ quan dự bị từ 03 tháng trở lên chưa tham gia BHXH, BHYT, trong thời gian đào tạo được cơ sở đào tạo đóng BHYT; mức đóng, hưởng BHYT được thực hiện như đối với hạ sĩ quan tại ngũ.
Bên cạnh đó, Điều 6 của Nghị định cũng quy định: quân nhân dự bị không thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT quy định tại Khoản 6 Điều 30 của Luật trong thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và huy động khi chưa đến mức tổng động viên hoặc động viên cục bộ, nếu bị ốm đau, bị tai nạn hoặc chết được thực hiện như sau:
-
Chế độ khám bệnh, chữa bệnh: Được khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quân, dân y; được thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh, tiền ăn bệnh lý theo hóa đơn thu tiền (nếu điều trị nội trú); nếu hết thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và huy động mà phải tiêp tục điều trị thì được thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh và tiền ăn bệnh lý tối đa không quá 15 ngày.
-
Chế độ trợ cấp tai nạn: Quân nhân dự bị nếu bị tai nạn được Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên khám, giám định kết luận mức độ suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được hưởng trợ cấp trong trường hợp: Trên đường từ nơi ở đến nơi tập trung huấn luyện hoặc khi kết thúc đợt tập trung huấn luyện trở về nơi ở; trong giờ làm việc và tại nơi thực hiện nhiệm vụ; ngoài giờ làm việc, ngoài nơi làm nhiệm vụ khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người chỉ huy có thẩm quyền. Suy giảm khả năng lao động 5% thì được trợ cấp một lần bằng 8.000.000 đồng; sau đó, cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 800.000 đồng.
-
Chế độ trợ cấp đối với trường hợp chết do tai nạn hoặc chết do ốm đau, tai nạn rủi ro: Chết do tai nạn, gia đình được trợ cấp một lần bằng 57.600.000 đồng, thân nhân hoặc người tổ chức mai táng được nhận tiền mai táng phí bằng 16.000.000 đồng; chết do ốm đau, tai nạn rủi ro, gia đình được trợ cấp một lần bằng 4.800.000 đồng, thân nhân hoặc người tổ chức mai táng được nhận tiền mai táng phí bằng 16.000.000 đồng.
Mặt khác, trường hợp quân nhân dự bị ốm đau, tai nạn đi khám bệnh, chữa bệnh thì gia đình quân nhân dự bị được hưởng trợ cấp nhưng không vượt quá thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và huy động…
Nghị định 79/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 21/08/2020./.
(Nguồn: Tphcm.Baohiemxahoi.gov.vn; Xem chi tiết tại đây)
Về mục lục
VI. Quy định mã định danh điện tử của cơ quan, tổ chức phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 20/2020/QĐ-TTg về mã định danh điện tử của các cơ quan, tổ chức phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương.
Quyết định này quy định về mã định danh điện tử của các cơ quan, tổ chức để phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương.
Mã định danh điện tử của các bộ, ngành, địa phương
Theo đó, mã định danh điện tử của các bộ, ngành, địa phương là chuỗi ký tự có độ dài tối đa là 35 ký tự và được chia thành các nhóm ký tự. Các ký tự gồm: dấu chấm (.), các chữ số từ 0-9 và các chữ cái từ A đến Z (dạng viết hoa trong bảng chữ cái tiếng Anh). Mỗi nhóm ký tự được sử dụng để xác định các cơ quan, tổ chức tại cấp tương ứng; các nhóm ký tự được phát triển từ trái qua phải và được phân tách với nhau bằng dấu chấm (1).
Nhóm ký tự thứ nhất, ở vị trí ngoài cùng bên trái trong Mã định danh điện tử của các bộ, ngành, địa phương quy định tại (1) nêu trên để xác định các cơ quan, tổ chức cấp 1 (gọi là Mã cấp 1). Mã cấp 1 có dạng MX1X2, trong đó: M là chữ cái trong phạm vi từ A đến Y; X1, X2 nhận giá trị là một trong các chữ số từ 0 đến 9. Quy định chi tiết cơ quan, tổ chức cấp 1 và Mã cấp 1 của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức đặc thù (2).
Các nhóm ký tự nối tiếp sau Mã cấp 1 trong Mã định danh điện tử của các cơ quan, tổ chức quy định tại (2) nêu trên lần lượt xác định các cơ quan, tổ chức từ cấp 2 trở đi; cơ quan, tổ chức tại một cấp nhất định trừ cấp 1 là các đơn vị thuộc, trực thuộc cơ quan, tổ chức cấp liền trước.
Mã định danh điện tử của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh là chuỗi ký tự biểu diễn tương ứng mã số doanh nghiệp, mã số hợp tác xã, mã số hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật hiện hành về mã số doanh nghiệp, mã số hợp tác xã và mã số hộ kinh doanh.
Mã định danh điện tử của cơ quan, tổ chức khác
Mã định danh điện tử của cơ quan, tổ chức không thuộc quy định nêu trên là chuỗi ký tự bao gồm hai thành phần nối tiếp nhau; không có ký tự để phân tách giữa các thành phần; thành phần thứ nhất, ở vị trí ngoài cùng bên trái là mã xác định lược đồ định danh, thành phần tiếp theo là mã xác định cơ quan, tổ chức trong lược đồ định danh.(*)
Mã xác định lược đồ định danh được quy định tại (*) nêu trên được xây dựng theo các nguyên tắc sau:
- Bao gồm 3 ký tự có dạng Zxy; bắt đầu là chữ cái "Z" viết hoa; x, y nhận giá trị là một trong các chữ số từ 0-9.
- Các mã xác định lược đồ định danh được sử dụng tuần tự, bắt đầu là Z01, cuối cùng là Z99.
- Mã xác định lược đồ định danh cho mỗi lược đồ định danh của cơ quan, tổ chức là duy nhất và chỉ được sử dụng một lần.
Mã xác định cơ quan, tổ chức trong lược đồ định danh quy định tại (*) nêu trên có độ dài tối đa 32 ký tự và có cấu trúc được quy định trong lược đồ định danh.
Quyết định có hiệu lực từ ngày 15/09/2020.
(Nguồn: Baohiemxahoi.gov.vn; Xem chi tiết tại đây)
Về mục lục