BẢN TIN BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐIỆN TỬ THÁNG 05/2020

Ngày đăng: 09:36 AM 13/05/2020 - Lượt xem: 1741

BẢN TIN BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐIỆN TỬ THÁNG 05/2020

Mục lục bài viết

I. 6 trường hợp cụ thể được thanh toán trực tiếp chi phí BHYT
II. Mua bán sổ bảo hiểm xã hội, coi chừng vi phạm hình sự
III. Đẩy mạnh chống lãng phí trong sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, y tế
IV. Tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh tham gia BHYT trong dịch Covid-19
V. Hướng dẫn hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động
VI. Năm lý do không nên hưởng BHXH một lần
VII. Vận động NLĐ không bán sổ BHXH và không nhận BHXH một lần

 

I. 6 trường hợp cụ thể được thanh toán trực tiếp chi phí BHYT

Trường hợp cấp cứu, người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) được đến khám, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám, chữa bệnh nào và được thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh BHYT.

Những trường hợp được thanh toán trực tiếp chi phí BHYT

Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 09/2019/TT-BYT và Công văn số 141/BHXH-CSYT, người tham gia BHYT được thanh toán trực tiếp chi phí khám, chữa bệnh trong 6 trường hợp dưới đây:

  • Khám, chữa bệnh tại cơ sở không ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT:
    • Cấp cứu.
    • Khám, chữa bệnh ngoại trú, nội trú tại cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện và tương đương;
    • Khám, chữa bệnh nội trú tại cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh và tương đương.
    • Khám, chữa bệnh nội trú tại cơ sở khám, chữa bệnh tuyến trung ương và tương đương.
  • Khám, chữa bệnh tại nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ BHYT không đúng quy định (không xuất trình được thẻ BHYT có ảnh hoặc thẻ BHYT chưa có ảnh nhưng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nhân thân).
  • Chi phí cùng chi trả trong năm khi khám, chữa bệnh đúng tuyến của người tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên lớn hơn 6 tháng lương cơ sở nhưng chưa được hưởng quyền lợi ngay tại cơ sở khám, chữa bệnh.
  • Dữ liệu thẻ BHYT không được cung cấp hoặc cung cấp không chính xác về thông tin.
  • Không xuất trình được thẻ BHYT trước khi ra viện, chuyển viện trong ngày do cấp cứu, mất ý thức, tử vong hoặc bị mất thẻ nhưng chưa được cấp lại.

Thủ tục thanh toán trực tiếp chi phí BHYT

Căn cứ tại Điều 29 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, người đề nghị thanh toán trực tiếp sẽ phải thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ

Điều 28 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết các giấy tờ để người bệnh có thể làm thủ tục đề nghị thanh toán trực tiếp chi phí khám, chữa bệnh BHYT gồm:

  • Các giấy tờ là bản chụp (kèm theo bản gốc để đối chiếu):
    • Thẻ BHYT
    • Giấy chứng minh nhân thân
    • Giấy ra viện, phiếu hoặc sổ khám bệnh của lần khám, chữa bệnh đề nghị thanh toán
  • Hóa đơn và các chứng từ có liên quan.

Người bệnh, thân nhân của người bệnh hoặc người đại diện hợp pháp của người bệnh trực tiếp nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH cấp huyện nơi cư trú.

Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền sẽ tiếp nhận hồ sơ và giải quyết

Cơ quan BHXH tiếp nhận hồ sơ và lập giấy biên nhận hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không đầy đủ thì người bệnh được hướng dẫn chi tiết để bổ sung.

Trong vòng 40 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan BHXH hoàn thành việc giám định BHYT và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho người bệnh, thân nhân của người bệnh hoặc người đại diện hợp pháp. Trường hợp không thanh toán sẽ phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

(Nguồn: Tapchitaichinh.vn; Xem chi tiết tại đây)

Về mục lục

II. Mua bán sổ bảo hiểm xã hội, coi chừng vi phạm hình sự

Trên thị trường xuất hiện hành vi rao mua sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) của những người đang gặp khó khăn vì dịch Covid-19. Theo quy định, mua bán sổ BHXH là hành vi vi phạm pháp luật.

Rủi ro, thiệt thòi cho người lao động

Dịch Covid-19 khiến nhiều người lao động thất nghiệp và gặp khó khăn khi tìm việc làm mới nên họ lựa chọn nhận BHXH một lần để trang trải cuộc sống. Lợi dụng tình hình này, một số đối tượng thu mua sổ BHXH của người lao động nhằm trục lợi.

Chẳng hạn, tại Bình Dương, có đối tượng lập trang facebook mạo danh BHXH tỉnh, rao mua sổ BHXH.

Ðại diện BHXH Việt Nam khẳng định, sổ BHXH không phải là đối tượng của cầm cố, thế chấp hoặc mua bán. Hoạt động mua bán, thu gom sổ BHXH dưới bất kể hình thức nào đều là bất hợp pháp và sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật. Các tài khoản facebook mang tên cơ quan BHXH hay BHXH Bình Dương để thực hiện hành vi trên đều là giả mạo.

Ðược biết, ngay sau khi phát hiện sự việc, BHXH tỉnh Bình Dương đã có công văn gửi Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, yêu cầu có biện pháp ngăn chặn và xử lý đối với những tài khoản mạo danh. Ðồng thời, BHXH tỉnh có công văn gửi Công an tỉnh Bình Dương báo cáo về tình hình trên và đề nghị ngành công an phối hợp vào cuộc để điều tra xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

BHXH Việt Nam cũng gửi thông tin về các trang facebook lập ra với mục đích mua, thu gom sổ BHXH của người lao động tới Bộ Công an để xử lý, ngăn chặn các hoạt động này trên môi trường mạng.

Ðến nay, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an đã triệu tập 2 đối tượng có hành vi mạo danh cơ quan bảo hiểm, thu mua sổ BHXH để điều tra, xác minh.

Cơ quan công an cảnh báo, các hành vi thế chấp, cầm cố, mua bán sổ BHXH rồi sau đó làm thủ tục kê khai sổ BHXH bị mất, hư hỏng để xin cấp lại thuộc trường hợp kê khai không đúng sự thật và sẽ bị xử phạt.

BHXH Việt Nam khuyến cáo, người lao động khi nhận BHXH một lần, quyền lợi sẽ bị hạn chế hơn so với khi hưởng lương hưu. Việc nhận BHXH một lần là phải chấp nhận sự thiệt thòi rất lớn.

Với mức đóng 22% tiền lương tháng vào quỹ hưu trí, tử tuất, tổng mức đóng một năm là 2,64 tháng lương. Tuy nhiên, mức hưởng BHXH một lần cho mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014 và 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.

Chưa kể, người nghỉ hưu có lương hưu không phải tự mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Khi hết tuổi lao động và dễ gặp bất trắc về sức khỏe, Quỹ BHXH sẽ trả kinh phí cấp thẻ BHYT và người nghỉ hưu được hưởng các quyền lợi về khám chữa bệnh BHYT cũng như quyền lợi tử tuất.

Nếu nhận BHXH một lần, sau này tham gia lại BHXH, người lao động không được cộng nối thời gian đóng bảo hiểm, mà chỉ tính thời gian đóng mới. Như vậy, người lao động mất đi cơ hội được hưởng lương hưu, trường hợp khi nghỉ hưu vẫn đủ thời gian được hưởng lương hưu thì số tiền lương hưu sẽ thấp.

BHXH cho biết, người lao động nếu ngừng đóng bảo hiểm có thể bảo lưu thời gian đóng để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc, hoặc tham gia BHXH tự nguyện với sự hỗ trợ của Nhà nước.

Người lao động cần cân nhắc, lựa chọn nhận BHXH một lần, không nên vì cái lợi trước mắt mà bỏ lỡ cơ hội được hưởng lương hưu để trang trải cuộc sống, cũng như được hưởng chế độ BHYT để chăm sóc sức khỏe khi về già.

Theo BHXH, trong thời điểm này, nếu không may bị thất nghiệp, người lao động nên đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp học nghề; đăng ký nhận chế độ hỗ trợ từ gói an sinh của Chính phủ.

Ðợi qua đợt khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, nền kinh tế vận hành bình thường trở lại, người lao động có cơ hội trở lại thị trường lao động, tiếp tục đóng BHXH để cộng nối thời gian tính hưởng lương hưu sau này.

Về quyền lợi người lao động được hưởng với chế độ bảo hiểm thất nghiệp, mức trợ cấp bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp, tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở hoặc 5 lần mức lương tối thiểu vùng.

Người lao động được hưởng chế độ BHYT theo quy định để khám, chữa bệnh BHYT khi không may ốm đau được hỗ trợ học nghề (tối đa 1 triệu đồng/người/tháng) và được hỗ trợ, tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí, được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

Cả bên mua và bán có thể bị chế tài hình sự

Luật sư Vũ Ngọc Chi, Giám đốc Công ty Luật Tam Anh cho rằng, rất khó để xử lý trách nhiệm hình sự về hành vi mua bán sổ BHXH, song nếu các đối tượng có dấu hiệu như gian dối thông tin, giả mạo cơ quan nhà nước để trục lợi thì vẫn có nguy cơ đối diện với các chế tài nghiêm khắc.

Theo luật sư Hoàng Văn Hướng (Ðoàn Luật sư Hà Nội), sổ bảo hiểm là loại giấy tờ có giá trị về quyền tài sản được hình thành trong tương lai với các giá trị của người lao động.

Ngoài giá trị về tài sản (quyền tài sản) thì theo pháp luật dân sự, BHXH còn có đặc trưng của quyền nhân thân (gắn chặt với một người, một chủ thể) mà khó có thể mua bán được.

Còn theo luật sư Vũ Ngọc Chi, việc mua bán là giao dịch dân sự thể hiện sự giao kết, tự nguyện “thuận mua vừa bán” giữa các bên.

Bởi vì các bên đã có sự thỏa thuận, đồng thuận và trên thực tế, các bên thường áp dụng mua bán bằng hình thức ký kết giấy ủy quyền. Do đó, rất khó để xử lý hình sự về hành vi mua bán sổ BHXH đơn thuần.

“Tuy nhiên, nếu cơ quan điều tra vào cuộc và làm rõ có các dấu hiệu như các đối tượng thu mua sổ BHXH và sử dụng thông tin gian dối để hứa hẹn với người lao động nhằm chiếm đoạt tiền, hoặc mạo danh cơ quan nhà nước để mua bán nhằm trục lợi… thì vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và tùy vào từng tình tiết mà cơ quan công tố sẽ xem xét hành vi này sẽ bị xử lý ở tội danh nào”, luật sư Chi nói.

Thực tiễn xét xử cho thấy, trong một số trường hợp, hành vi trục lợi BHXH có sự tiếp tay của cán bộ y tế.

Chẳng hạn, mới đây, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội xem xét trường hợp của ông Nguyễn Kim Hữu (SN 1957), nguyên Giám đốc Trung tâm y tế thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên về tội giả mạo trong công tác.

Một số cán bộ của trung tâm này cũng dính líu về hành vi không thực hiện quy trình khám bệnh, lập khống và cấp giả 499 giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm, giấy ra viện cho 369 người lao động, chủ yếu là công nhân của Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam, Công ty TNHH Sản xuất phụ tùng ô tô và xe máy Việt Nam.

Những người lao động đã sử dụng các giấy tờ trên để làm chứng từ thanh toán chế độ BHXH và được BHXH tỉnh Hưng Yên và Hải Dương chi trả số tiền 540,8 triệu đồng.

Ông Nguyễn Kim Hữu thừa nhận, vì nể nang nên đồng ý ký xác nhận trên các giấy tờ này để hoàn thiện hồ sơ khi không có chứng từ khám, chữa bệnh của người bệnh kèm theo.

Hệ quả, ông Hữu bị tòa sơ thẩm xử phạt 3 năm tù giam, nhưng tòa phúc thẩm đã xem xét và quyết định phạt bị cáo mức án 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

Hay năm 2019, vụ việc gian lận chiếm đoạt tiền BHXH ở Gia Lai dính líu đến nhiều đối tượng. Cơ quan tố tụng làm rõ, có một số công nhân ở Công ty TNHH MTV Cà phê Ia Sao 2 và Công ty TNHH MTV Cà phê 706 đã tìm cách khai tăng tuổi thật để nghỉ hưu sớm, chiếm đoạt tiền BHXH của Nhà nước.

Họ đã móc nối với giám định viên y tế của huyện và cán bộ tư pháp xã để được tư vấn, hướng dẫn, điều chỉnh, hợp thức hóa lại hồ sơ như làm giả giấy khai sinh…

Số tiền bị thiệt hại là hơn 1 tỷ đồng. Có 19 người đã bị truy tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; giả mạo trong công tác.

(Nguồn: Tapchitaichinh.vn; Xem chi tiết tại đây)

Về mục lục

III. Đẩy mạnh chống lãng phí trong sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, y tế

Để góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2020, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam mới đây đã ban hành Quyết định số 584/QĐ-BHXH kèm theo Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.

Mục tiêu của Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 là nhằm phát huy cao nhất mọi nguồn lực hoàn thành các mục tiêu về an sinh xã hội; thực hiện đồng bộ các giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mọi lĩnh vực quản lý của ngành bảo hiểm xã hội (BHXH).

Theo đó, BHXH Việt Nam đưa ra 7 nhiệm vụ trọng tâm, triển khai đồng bộ trong toàn hệ thống của ngành, cụ thể:

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực BHXH; tổ chức thực hiện tốt Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Dược, Luật Đấu thầu. Kịp thời đánh giá, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, đề xuất các giải pháp triển khai hiệu quả chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Tập trung thực hiện các giải pháp chống lãng phí trong sử dụng các quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; bảo đảm cân đối thu, chi; sử dụng hiệu quả và an toàn các quỹ; đẩy mạnh công tác thanh tra chuyên ngành, liên ngành; thực hiện quyết liệt các giải pháp để giảm nợ đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Tuân thủ các quy định của Luật NSNN, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý tài chính đối với BHXH Việt Nam. Thực hiện đầu tư quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo đúng quy định của pháp luật, chú trọng hình thức đầu tư ít rủi ro, hiệu quả, an toàn cho quỹ.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn, quản lý, giám sát chặt chẽ và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; thực hiện quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017.

Tiếp tục triển khai Đề án “Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam theo hướng nâng cao chất lượng, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các đơn vị trong hệ thống BHXH phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu ứng dụng khoa học công nghệ.

Đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông trong quản lý các hoạt động nghiệp vụ của ngành.

Thực hiện siết chặt kỷ luật tài khóa, thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên theo quy định; đảm bảo mục tiêu đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015, có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp của BHXH Việt Nam cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011-2015.

 (Nguồn: Tapchitaichinh.vn; Xem chi tiết tại đây)

Về mục lục

IV. Tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh tham gia BHYT trong dịch Covid-19

Bộ Y tế vừa ban hành Công văn số 2146/BYT-BH ngày 17/4/2020 gửi Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam; Sở Y tế các tỉnh, thành phố; các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; y tế các bộ, ngành về việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT liên quan đến dịch Covid-19, theo nguyên tắc tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh.

Theo đó, đối tượng cách ly y tế tập trung tại các cơ sở khám chữa bệnh do dịch Covid-19, có thẻ BHYT, được Nhà nước chi trả chi phí khám chữa bệnh trong thời gian cách ly y tế tập trung bao gồm tiền khám bệnh, tiền giường, dịch vụ kỹ thuật, thuốc, máu, dịch truyền...; phần cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh đối với các bệnh khác; chi phí khám chữa bệnh ngoài phạm vi chi trả của Quỹ BHYT; chi phí thực hiện cách ly y tế. Quỹ BHYT thanh toán chi phí khám chữa bệnh các bệnh khác trong phạm vi người bệnh được hưởng và mức hưởng bảo hiểm y tế.

Người có thẻ BHYT cũng được thanh toán chi phí khám, điều trị bệnh tại các cơ sở y tế (không phải là điều trị bệnh do Covid-19), nhưng phải cách ly y tế do bộ phận, khoa, phòng, khu điều trị hoặc toàn bộ cơ sở khám chữa bệnh phải thực hiện cách ly y tế.

Trường hợp cơ sở khám chữa bệnh phải cách ly y tế hoặc thực hiện khám, chữa bệnh cho người mắc Covid-19 thì Sở Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố hướng dẫn người đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đến cơ sở khác trên địa bàn.

Đối với người bệnh được các cơ sở khám chữa bệnh kê đơn, cấp thuốc, điều trị và đã cấp giấy hẹn khám lại nhưng do dịch bệnh người bệnh không đến được, thì các cơ sở này phải hướng dẫn điều trị và chuyển thuốc về cơ sở khám chữa bệnh phù hợp với người bệnh, hoặc hướng dẫn người bệnh lựa chọn cơ sở phù hợp.

Người có thẻ BHYT và có giấy hẹn khám lại được đến khám lại không phụ thuộc vào thời gian trên giấy hẹn. Căn cứ tình trạng người bệnh, việc kê đơn thuốc cho người bệnh là người cao tuổi, người mắc bệnh cần điều trị dài ngày tối đa không quá 3 tháng.

Các cơ sở khám chữa bệnh phải dự trù và dự trữ thuốc để cấp cho người bệnh trong thời gian diễn ra dịch bệnh.

(Nguồn: Tapchitaichinh.vn; Xem chi tiết tại đây)

Về mục lục

V. Hướng dẫn hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người lao động bị mất việc làm do dịch Covid-19 mà chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ phê duyệt Quyết định về quy trình thực hiện các chính sách hỗ trợ.

Theo dự thảo Quyết định của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đối tượng hỗ trợ là người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Điều kiện hỗ trợ, là người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2020 đến hết ngày 30/6/2020, trừ các trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.

Ngoài ra, để hưởng hỗ trợ, người lao động phải tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp dưới 12 tháng trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm; đóng bảo hiểm thất nghiệp dưới 12 tháng trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp theo quy định của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đưa ra mức hỗ trợ là 1 triệu đồng/người/tháng; thời gian hỗ trợ tùy theo tình hình ảnh hưởng thực tế của dịch Covid-19 nhưng tối đa không quá 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4-6/2020, và chi trả hàng tháng.

Để được hỗ trợ, người lao động cần chuẩn bị hồ sơ, gồm: Giấy đề nghị hỗ trợ; bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của một trong các giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc: hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động; quyết định thôi việc; thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu đối với Sổ bảo hiểm xã hội (nếu có).

Bên cạnh đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn, người lao động có nhu cầu hỗ trợ nộp hồ sơ đề nghị trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội nơi người lao động đang cư trú. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị hỗ trợ của người lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm thẩm định hồ sơ và trình Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội quyết định. Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Trung tâm Dịch vụ việc làm trình, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội xem xét, ban hành quyết định hỗ trợ cho người lao động theo mẫu của cơ quan chức năng.

(Nguồn: Tapchitaichinh.vn; Xem chi tiết tại đây)

Về mục lục

VI. Năm lý do không nên hưởng BHXH một lần

Việc nhận bảo hiểm xã hội một lần có thể giúp người lao động nhận được khoản tiền trước mắt để trang trải cuộc sống nhưng về lâu dài sẽ rất thiệt thòi.

Trước tình hình dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp khiến nhiều người mất việc làm, có một bộ phận người lao động (NLĐ) lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, điều này trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi trước mắt và lâu dài của NLĐ.

Lợi trước mắt, thiệt thòi lâu dài

BHXH Việt Nam cho rằng việc nhận BHXH một lần có thể giúp NLĐ có được khoản tiền trước mắt để trang trải cuộc sống, nhưng về lâu dài sẽ rất thiệt thòi.

  • Thứ nhất, nếu NLĐ nhận BHXH một lần, sau này tham gia lại BHXH sẽ không được cộng nối thời gian đóng BHXH mà tính thành thời gian đóng BHXH mới. Như vậy, NLĐ mất đi cơ hội được hưởng lương hưu, không có thu nhập để đảm bảo cuộc sống khi hết tuổi lao động.

NLĐ nếu khi nghỉ hưu vẫn đủ thời gian được hưởng lương hưu thì do thời gian đóng BHXH ít nên số tiền lương hưu sẽ thấp, mất nguồn tài chính hỗ trợ và ổn định cuộc sống lâu dài khi bị suy giảm khả năng lao động, hết tuổi lao động.

  • Thứ hai, trong toàn bộ thời gian hưởng lương hưu (độ tuổi dễ gặp bất trắc về sức khỏe nhất của mỗi người), NLĐ được quỹ BHXH trả kinh phí để cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí (người nghỉ hưu có lương hưu không phải tự mua thẻ BHYT) và được hưởng các quyền lợi về khám, chữa bệnh BHYT.

Khi người hưởng lương hưu không may qua đời, người lo mai táng được nhận một lần trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng người hưởng lương hưu chết. Thân nhân được hưởng trợ cấp tử tuất hàng tháng hoặc một lần.

  • Thứ ba, khoản tiền đóng vào quỹ BHXH là một của để dành quý giá của chính mình, nó không mất đi mà ngược lại, vẫn được cơ quan BHXH quản lý và đầu tư tăng trưởng.

Người tham gia có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc, hoặc tham gia BHXH tự nguyện với sự hỗ trợ đóng của Nhà nước.

Trong thời gian bảo lưu, nếu chẳng may bị chết thì gia đình được hưởng trợ cấp mai táng phí, thân nhân được hưởng trợ cấp tuất theo quy định.

  • Thứ tư, việc nhận BHXH một lần là phải chấp nhận sự thiệt thòi rất lớn khi với 22% mức tiền lương tháng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất thì một năm tổng mức đóng là 2,64 tháng lương.

“Trong khi mức hưởng BHXH một lần cho mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014. Hai tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi…” - cơ quan BHXH cho hay.

  • Thứ năm, người tham gia BHXH khi đã hưởng lương hưu thì mức lương hưu được điều chỉnh định kỳ theo chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế.

Như vậy, khi nhận BHXH một lần, NLĐ sẽ thiệt thòi khi chưa đến tuổi nghỉ hưu đã tiêu hết tiền dưỡng già. Đến khi về già, không được hưởng hưu trí, NLĐ phải phụ thuộc vào con, cháu và xã hội.

“Nếu không may bị bệnh, không có thẻ BHYT, họ còn phải đối mặt với nguy cơ không chi trả nổi chi phí khám, chữa bệnh chỉ sau một lần mắc bệnh và nằm viện thời gian dài. Cũng kể từ đó phải đối mặt với tình trạng nghèo đói, kiệt quệ, trở thành gánh nặng đối với gia đình và xã hội…” - BHXH Việt Nam phân tích.

Sổ bảo hiểm xã hội sẽ cứu cánh người lao động

Từ những phân tích trên, cơ quan BHXH Việt Nam khuyên NLĐ nên cân nhắc, đừng vì lợi trước mắt mà bỏ lỡ cơ hội được hưởng lương hưu để trang trải cuộc sống, cũng như được hưởng chế độ BHYT để chăm sóc sức khỏe khi về già.

Theo cơ quan bảo hiểm, trong thời điểm này, nếu không may bị thất nghiệp, NLĐ nên đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp học nghề; đăng ký nhận chế độ hỗ trợ từ gói an sinh của Chính phủ.

Trong đó, chính sách trợ cấp thất nghiệp giúp người lao động được hưởng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp, tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở hoặc 5 lần mức lương tối thiểu vùng.

“Cạnh đó, NLĐ được hưởng chế độ BHYT theo quy định để khám, chữa bệnh BHYT khi không may ốm đau. NLĐ được hỗ trợ học nghề (tối đa 1 triệu đồng/người/tháng), tư vấn và giới thiệu việc làm miễn phí. NLĐ được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề…” - BHXH Việt Nam cho hay.

Đại diện BHXH Việt Nam cũng cho rằng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là các chính sách an sinh xã hội rất ưu việt, nhân văn của Đảng và Nhà nước để chăm lo cuộc sống trước mắt (BHYT, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp…) và lâu dài cho người dân (hưu trí, tử tuất).

“Do vậy, BHXH Việt Nam mong muốn NLĐ hãy nghĩ đến cả lợi ích trước mắt và lâu dài, không lựa chọn BHXH một lần để cùng Nhà nước tự đảm bảo an sinh xã hội cho bản thân, nhất là khi hết tuổi lao động.

Đợi qua đợt khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra, nền kinh tế tiếp tục được vận hành, NLĐ có cơ hội trở lại thị trường lao động, tiếp tục được đóng BHXH để cộng nối thời gian tính hưởng lương hưu sau này…” - đại diện BHXH Việt Nam nói.

(Nguồn: Tapchitaichinh.vn; Xem chi tiết tại đây)

Về mục lục

VII. Vận động NLĐ không bán sổ BHXH và không nhận BHXH một lần

Các cấp Công đoàn cần hướng dẫn người lao động (NLĐ) chi tiêu tiết kiệm; tuyên truyền, vận động NLĐ nhận thức đầy đủ, không nên vay mượn từ tín dụng đen, không nên bán sổ BHXH và không nên nhận chế độ BHXH một lần.

Đây là một trong những nội dung bổ sung vào các hoạt động nhân Tháng Công nhân 2020, do Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa ban hành. Theo đó, các cấp Công đoàn đủ điều kiện, tiếp tục thực hiện Tháng Công nhân năm 2020 theo chủ đề “Năng suất cao - An toàn lao động - Thu nhập tốt”, với các hoạt động: Phối hợp với người sử dụng lao động (SDLĐ) tổ chức các phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo” để đoàn viên, NLĐ phát huy sáng kiến, cải tiến nâng cao năng suất, tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ chất lượng, hiệu quả, được người tiêu dùng trong nước tín nhiệm, góp phần nâng cao thương hiệu sản phẩm và mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống của đoàn viên và NLĐ.

Bên cạnh đó, tiếp tục phổ biến các quy định về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại nơi làm việc, nhằm nâng cao nhận thức cho NLĐ và người SDLĐ. Triển khai sâu rộng chủ đề Tháng hành động về ATVSLĐ với chủ đề “Đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc”. Tổ chức tập huấn, huấn luyện về ATVSLĐ cho cán bộ Công đoàn, đội ngũ an toàn vệ sinh viên và NLĐ; tổ chức Hội thi An toàn vệ sinh viên bằng hình thức trực tuyến...

Hoạt động thực hiện “Thu nhập tốt” tập trung thương lượng để ký mới hoặc sửa đổi, bổ sung Thỏa ước Lao động tập thể, trong đó đặc biệt quan tâm điều khoản về lương, thưởng, phụ cấp, cải thiện và đảm bảo ATVSTP bữa ăn ca của NLĐ.

Các cấp Công đoàn nơi có DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 triển khai thực hiện Tháng Công nhân năm 2020 theo chủ đề “Duy trì việc làm- An toàn lao động- Thu nhập ổn định”. Trong đó, phối hợp với người SDLĐ xây dựng phương án lao động để ổn định sản xuất, duy trì việc làm cho NLĐ; nâng cao vai trò của Công đoàn cơ sở trong việc giám sát người SDLĐ khi thực hiện cắt giảm lao động, đảm bảo các chế độ, chính sách cho NLĐ khi bị cắt giảm lao động; quan tâm đến lao động nữ, lao động có con nhỏ, lao động gặp nhiều khó khăn.

Đối với những DN phải tạm dừng sản xuất kinh doanh, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng và người SDLĐ giới thiệu việc làm cho NLĐ; hoặc tư vấn cho họ chuyển nghề, cung cấp thông tin tuyển dụng từ các cơ quan khác nhau, nơi tiếp nhận lao động, đặc biệt tìm cách hỗ trợ thu nhập cho NLĐ.

Tổ chức tọa đàm, đối thoại giữa cán bộ Công đoàn với các cấp ủy Đảng, chính quyền, người SDLĐ với chủ đề “Công đoàn đồng hành với DN vượt khó hậu Covid-19”, đề xuất các giải pháp để giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách trong CNLĐ.

Các hoạt động thực hiện “ổn định thu nhập” tập trung vào chủ động nắm bắt tình hình công nhân gặp khó khăn do giảm việc làm, đặc biệt là công nhân nữ, công nhân có con nhỏ, công nhân bị ốm đau, bệnh tật, gia đình có nhiều thế hệ làm công nhân để tư vấn, hỗ trợ thực hiện các chế độ, chính sách của DN, đơn vị và của Nhà nước.

Hướng dẫn NLĐ chi tiêu tiết kiệm; tuyên truyền, vận động NLĐ nhận thức đầy đủ, không nên vay mượn từ tín dụng đen, không nên bán sổ BHXH, không nên nhận chế độ BHXH một lần. Hỗ trợ đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn từ nguồn tài chính Công đoàn; vận động người SDLĐ và các đối tác phúc lợi hỗ trợ, chăm lo đời sống NLĐ.

Đối với việc tổ chức truyền thông về Tháng Công nhân năm 2020 gắn với Tháng hành động về ATVSLĐ và kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần tổ chức các hình thức truyền thông dựa trên việc xây dựng, phát triển và lan tỏa những câu chuyện có thật về một hoạt động, cách làm của Công đoàn, nhằm mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển những hoạt động vì NLĐ.

(Nguồn: tphcm.baohiemxahoi.gov.vn; Xem chi tiết tại đây)

Về mục lục

đăng ký nhận bản tin định kỳ

Kết nối với chúng tôi:

Facebook