BẢN TIN THUẾ THÁNG 08/2020

Ngày đăng: 12:22 AM 07/10/2020 - Lượt xem: 1748

BẢN TIN THUẾ THÁNG 08/2020

(Thực hiện bởi Công ty Cổ phần Bkav)

MỤC LỤC BÀI VIẾT

I. Thông báo thời hạn nộp tờ khai thuế trong kỳ kê khai Tháng 7/2020
II. Hướng dẫn trình tự, thủ tục khoanh nợ, xóa nợ tiền thuế
III. Nâng chi phí lãi vay lên 30% tạo cơ hội để doanh nghiệp phát triển
IV. Có được sử dụng song song hóa đơn điện tử và hóa đơn giấy?
V. Từ kỳ lương tháng 7/2020 áp dụng mức thuế thu nhập cá nhân theo mức giảm trừ gia cảnh mới
VI. Thời hạn nộp lệ phí môn bài
VII. Cách xác định doanh thu tính lệ phí môn bài từ ngày 23/8/2020
VIII. Doanh nghiệp tự xác định số tiền được giảm khi tạm nộp thuế thu nhập
IX. Bộ Tài chính giảm phí thẩm định cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước
X. Hà Nội: Giảm ngay 50% lệ phí trước bạ ôtô sản xuất trong nước

I. Thông báo thời hạn nộp tờ khai thuế trong kỳ kê khai Tháng 7/2020

Bkav xin thông báo, hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ kê khai Tháng 7/2020 là thứ Năm ngày 20/08/2020. Bkav xin trân trọng thông báo để Quý khách hàng được biết và thực hiện kê khai, nộp tờ khai đúng hạn.

Bkav lưu ý Quý khách hàng nên kê khai, nộp tờ khai sớm trước thời gian hết hạn ít nhất từ 1 đến 2 ngày để tránh việc quá tải, không gửi được tờ khai.

Trong quá trình kê khai, nếu gặp vấn đề cần hỗ trợ, Quý Khách hàng vui lòng thực hiện theo 1 trong 4 cách dưới đây:

  • Cách 1 (cách nhanh nhất để được hỗ trợ hiệu quả): Chat trực tiếp tại link https://m.me/BkavCA hoặc https://zalo.me/4458938702350836836.

  • Cách 2: Gửi mail tới Trung tâm Chăm sóc khách hàng Bkav CA qua địa chỉ BkavCA@bkav.com với nội dung mà Bạn cần hỗ trợ, Bkav sẽ phản hồi lại Bạn trong thời gian sớm nhất.

  • Cách 3: Liên hệ tổng đài 1900 1854.

Về mục lục

II. Hướng dẫn trình tự, thủ tục khoanh nợ, xóa nợ tiền thuế

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 69/2020/TT-BTC quy định hồ sơ và trình tự, thủ tục xử lý nợ thuế theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội. Theo thông tư này, việc khoanh nợ, xóa nợ tiền thuế phải được thực hiện theo một trình tự, thủ tục chặt chẽ.

Trình tự, thủ tục khoanh nợ tiền thuế

Muốn khoanh nợ tiền thuế, trước tiên cơ quan thuế phải lập, thẩm định hồ sơ, ban hành quyết định khoanh nợ. Đối với người nộp thuế được khoanh nợ, bộ phận quản lý nợ, hoặc bộ phận được phân công xử lý nợ thuộc cơ quan quản lý thuế nơi người nộp thuế nợ tiền thuế lập đầy đủ hồ sơ khoanh nợ. Cơ quan thuế thực hiện dự thảo quyết định khoanh nợ theo mẫu và chuyển bộ phận nghiệp vụ, hoặc pháp chế thẩm định.

Trường hợp chưa đầy đủ hồ sơ thì cơ quan quản lý thuế phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan để bổ sung hồ sơ.

  • Bộ phận nghiệp vụ, hoặc pháp chế xem xét, thẩm định hồ sơ khoanh nợ do bộ phận quản lý nợ, hoặc bộ phận được phân công xử lý nợ chuyển đến. Thời gian thẩm định hồ sơ trong vòng 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ khoanh nợ.

  • Sau khi nhận được ý kiến thẩm định, trong thời gian 10 ngày làm việc, bộ phận quản lý nợ hoặc bộ phận được phân công xử lý nợ tổng hợp và trình thủ trưởng cơ quan quản lý thuế - nơi người nộp thuế nợ tiền thuế, xem xét quyết định khoanh nợ.

Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế nơi người nộp thuế nợ tiền thuế ký ban hành quyết định khoanh nợ.

  • Thông tư 69 cũng hướng dẫn cụ thể việc công khai và gửi quyết định khoanh nợ. Theo đó, bộ phận quản lý nợ hoặc bộ phận được phân công xử lý nợ nhập quyết định khoanh nợ vào ứng dụng quản lý thuế trong thời gian 5 ngày làm việc kể từ ngày quyết định khoanh nợ được ban hành.

  • Chậm nhất là 5 ngày làm việc kể từ ngày ban hành, cục thuế hoặc cục hải quan, Cục Kiểm tra sau thông quan đăng tải quyết định khoanh nợ trên trang thông tin điện tử của cục thuế, hoặc cục hải quan, Tổng cục Hải quan.

Cơ quan quản lý thuế nơi người nộp thuế nợ tiền thuế gửi quyết định khoanh nợ ngay sau khi ký ban hành cho cơ quan đăng ký kinh doanh, hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập và hoạt động hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề trên địa bàn.

Bộ phận kế toán thuế, hoặc bộ phận được phân công xử lý nợ điều chỉnh lại tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp trên ứng dụng quản lý thuế (nếu có).

Trình tự, thủ tục xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp

Người nộp thuế thuộc đối tượng được xóa nợ lập đầy đủ hồ sơ xóa nợ theo quy định, gửi đến cơ quan quản lý thuế nơi người nộp thuế nợ tiền thuế, cụ thể như sau:

  • Trường hợp người nộp thuế bị thiệt hại vật chất do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ thuộc đối tượng được xóa nợ thì lập đầy đủ hồ sơ theo quy định.

  • Trường hợp người nộp thuế cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán trực tiếp bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, nhưng chưa được thanh toán thì lập đầy đủ hồ sơ theo quy định.

Về trình tự lập, xử lý hồ sơ xóa nợ tại chi cục thuế hoặc chi cục hải quan như sau: Đối với hồ sơ của người nộp thuế thuộc đối tượng được xóa nợ gửi đến chi cục thuế hoặc chi cục hải quan nơi người nộp thuế nợ tiền thuế.

Chi cục thuế hoặc chi cục hải quan tiếp nhận, phân công bộ phận quản lý nợ hoặc bộ phận được giao xử lý nợ rà soát hồ sơ của người nộp thuế.

  • Trường hợp người nộp thuế không thuộc đối tượng được xóa nợ, thì trong thời gian 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, chi cục thuế, hoặc chi cục hải quan thông báo cho người nộp thuế theo mẫu.

  • Trường hợp người nộp thuế thuộc đối tượng được xóa nợ, nhưng hồ sơ lập chưa đúng, hoặc chưa đầy đủ theo quy định thì trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, chi cục thuế hoặc chi cục hải quan thông báo cho người nộp thuế bổ sung hồ sơ theo mẫu.

  • Trường hợp người nộp thuế thuộc đối tượng được xóa nợ và hồ sơ đầy đủ theo quy định, thì trong thời gian 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, chi cục thuế, hoặc chi cục hải quan lập văn bản đề nghị xóa nợ theo mẫu, kèm theo hồ sơ, gửi cục thuế hoặc cục hải quan.

Đối với hồ sơ do chi cục thuế hoặc chi cục hải quan lập, căn cứ từng đối tượng được xóa nợ, chi cục thuế hoặc chi cục hải quan lập đầy đủ hồ sơ theo quy định.

  • Trường hợp chưa đầy đủ hồ sơ thì bộ phận quản lý nợ, hoặc bộ phận được phân công xử lý nợ thuộc chi cục thuế, hoặc chi cục hải quan báo cáo lãnh đạo chi cục thuế hoặc chi cục hải quan phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để bổ sung hồ sơ.

  • Trường hợp đầy đủ hồ sơ, chi cục thuế hoặc chi cục hải quan lập văn bản công khai danh sách người nộp thuế được đề nghị xóa nợ, niêm yết công khai liên tục trong thời gian 30 ngày tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn nơi người nộp thuế đăng ký địa chỉ hoạt động kinh doanh và tại trụ sở chi cục thuế, hoặc chi cục hải quan để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có ý kiến phản hồi.

Thông tư 69 cũng hướng dẫn trình tự lập, xử lý hồ sơ xóa nợ tại Cục Thuế hoặc Cục Hải quan, Cục Kiểm tra sau thông quan; trình tự lập, xử lý hồ sơ xóa nợ tại Tổng cục Thuế hoặc Tổng cục Hải quan.

(Nguồn: Gdt.gov.vn – Mục Tin tức – Tin bài về Thuế - Đăng ngày: 23/07/2020)

Về mục lục

III. Nâng chi phí lãi vay lên 30% tạo cơ hội để doanh nghiệp phát triển

Nghị định 68/2020/NĐ-CP được ban hành đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực từ các chuyên gia. Theo đánh giá, việc nâng mức khống chế chi phí lãi vay lên 30%, nhất là trong bối cảnh hậu Covid-19, đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) phát triển. 

Phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam

Trao đổi với phóng viên TBTCO, ông Nguyễn Văn Được – Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín cho rằng, Nghị định 68 ra đời trong bối cảnh các DN gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Vì thế, nghị định có vai trò vô cùng quan trọng cho sự phát triển của DN, tạo cú hích cho nền kinh tế.

“Việc sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP là hết sức cần thiết, bởi trong quá trình thực hiện, nhiều DN gặp vướng mắc, đặc biệt là các DN có chi phí sử dụng vốn cao (chi phí lãi vay lớn). Việc nâng mức khống chế chi phí lãi vay từ 20% lên 30% đồng nghĩa với việc chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sẽ tăng lên, điều này sẽ có lợi cho DN” – ông Được nói.

Giải thích thêm về quy định mới này, ông Được cho biết, khi chi phí lãi vay được trừ tăng lên, có nghĩa là thu nhập tính thuế TNDN giảm xuống, DN được đóng thuế ít đi. Việc đóng thuế ít đi này vừa phản ánh đúng thực tế tình hình kinh doanh của DN, đồng thời vẫn đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

“Chính sách này sẽ tạo ra tâm lý yên tâm, cũng như khuyến khích DN tự giác tuân thủ nghĩa vụ thuế thay vì các DN phải dùng các thủ thuật gian lận, trốn thuế” – ông Được nói.

Theo nhiều chuyên gia, việc nâng tỷ lệ chi phí lãi vay lên 30% là khá phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam. Vì theo thông lệ quốc tế, tỷ lệ này là 20%, nhưng tại thị trường Việt Nam, do các DN có tiềm lực tài chính chưa được lớn mạnh, đồng thời chi phí sử dụng vốn của các DN Việt Nam còn cao. Vì vậy việc nâng tỷ lệ từ 20% lên 30% sẽ phù hợp hơn so với thực tiễn, đây cũng là điều mà cộng đồng DN đã chờ đợi từ lâu.

“Với việc ban hành Nghị định 68, cụ thể là sửa đổi Khoản 3, Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP đã giải quyết những bất cập khó khăn cho DN đối với chi phí lãi vay, là cú hích cho nền kinh tế trong giai đoạn khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19” – ông Được nói.

Giúp DN vượt qua khó khăn do đại dịch

Đồng quan điểm với ông Nguyễn Văn Được, luật sư Lại Ngọc Thanh – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH LLA Legal cũng cho rằng, Nghị định 68 được Chính phủ ban hành là hết sức kịp thời trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN.

“Dịch bệnh Covid-19 đã gây ra những xáo trộn và ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Việc Chính phủ ban hành Nghị định 68 đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN, giúp DN cơ cấu nguồn lực, tài chính để ổn định hoạt động, nắm bắt và có thể tận dụng được các cơ hội sắp tới” – luật sư Thanh nói.

Luật sư Thiệu Quang Sang – Giám đốc Công ty Luật TNHH Lawflex cho rằng, Nghị định 68/2020/NĐ-CP được ban hành không chỉ tháo gỡ khó khăn cho các DN, mà còn thể hiện sự chặt chẽ, toàn diện và cần thiết trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động giao dịch liên kết hiện nay.

“Điều 1 Nghị định 68/2020/NĐ-CP sửa đổi Khoản 3, Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP về giao dịch liên kết theo hướng tăng khống chế chi phí lãi vay lên 30% thay vì mức 20% như trước đây. Bên cạnh đó, chi phí lãi vay của DN được tính theo lãi vay thuần (là chi phí lãi vay trừ doanh thu từ lãi vay). Điều này đã góp phần làm giảm gánh nặng tài chính cho DN” – luật sư Sang nói. 

Nói về sự cần thiết của việc ban hành nghị định quy định về giao dịch liên kết, luật sư Thiệu Quang Sang cho biết, Nghị định 68 giúp cơ quan thuế kiểm soát giao dịch liên kết, tránh các hoạt động trốn, tránh thuế, chuyển giá trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia cam kết quốc tế về thuế là cần thiết, nhất là yêu cầu quản lý thuế đối với các DN, tập đoàn đa quốc gia.

“Chuyển giá là vấn đề nhức nhối và rất phức tạp, do vậy trong thời gian tới, tôi nghĩ sẽ cần phải tiếp tục nghiên cứu và có thêm các giải pháp để quản lý tốt hơn theo hướng: nếu đúng có yếu tố chuyển giá, thì cần phải áp đặt chi phí lãi vay kể cả như mức 20% như trước đây, hoặc thấp hơn, nhưng nếu không có yếu tố chuyển giá, thì chi phí lãi vay cần được coi là các chi phí hợp lệ” – luật sư Sang nói.

(Nguồn: Gdt.gov.vn – Mục Tin tức – Tin bài về Thuế - Đăng ngày: 06/07/2020)

Về mục lục

IV. Có được sử dụng song song hóa đơn điện tử và hóa đơn giấy?

Cục Thuế TP. Hà Nội vừa hướng dẫn Chi nhánh Công ty TNHH một thành viên Tổng công ty 28 về việc sử dụng song song hóa đơn điện tử và hóa đơn giấy tại Công văn số 61915/CT-TTHT ngày 6/7/2020.

Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/09/2018 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ quy định, Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/11/2018. Trong thời gian từ ngày 01/11/2018 đến ngày 31/10/2020, các Nghị định: số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ vẫn còn hiệu lực thi hành.

Thông tư số 68/2019/TT-BTC ngày 30/9/2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/11/2019. Từ ngày 01/11/2020, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh phải thực hiện đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử theo hướng dẫn tại Thông tư này.

Từ ngày 01/11/2018 đến ngày 31/10/2020, để chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin để đăng ký, sử dụng, tra cứu và chuyển dữ liệu lập hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 119/2018/NĐ-CP, trong khi cơ quan thuế chưa thông báo các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh chuyển đổi để sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định Nghị định số 119/2018/NĐ-CP và theo hướng dẫn tại Thông tư này thì doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh vẫn áp dụng hóa đơn theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP.”

Nghị định 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ sửa đổi/bổ sung một số điều của Nghị định 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ quy định, tổ chức kinh doanh có thể đồng thời cùng lúc sử dụng nhiều hình thức hóa đơn khác nhau. Nhà nước khuyến khích hình thức hóa đơn điện tử…

Theo Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/03/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn về khởi tạo, phát hành và sử dụng hóa đơn điện tử bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, tổ chức kinh doanh có thể đồng thời tạo nhiều hình thức hóa đơn khác nhau (hóa đơn tự in, hóa đơn đặt in, hóa đơn điện tử) và phải thực hiện thông báo phát hành từng hình thức hóa đơn theo quy định.

Trường hợp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, đối với mỗi lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, tổ chức kinh doanh chỉ sử dụng một hình thức hóa đơn, cụ thể: nếu tổ chức kinh doanh sử dụng hóa đơn tự in cho lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ thì không dùng hóa đơn đặt in, hóa đơn điện tử cho lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ đó; nếu sử dụng hóa đơn điện tử thì không sử dụng hóa đơn tự in, hóa đơn đặt in; nếu sử dụng hóa đơn đặt in thì không sử dụng hóa đơn điện tử, hóa đơn tự in.

Căn cứ các quy định nêu trên, Cục Thuế TP. Hà Nội hướng dẫn, trong thời gian từ ngày 01/11/2018 đến ngày 31/10/2020, các Nghị định: số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ vẫn còn hiệu lực thi hành.

Trong thời gian nêu trên, trường hợp cơ quan thuế chưa thông báo Chi nhánh chuyển đổi để sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định 119/2018/NĐ-CP thì Chi nhánh Công ty TNHH một thành viên Tổng công ty 28 vẫn áp dụng hóa đơn theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành. Chi nhánh có thể đồng thời cùng lúc sử dụng nhiều hình thức hóa đơn khác nhau theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 04/2014/NĐ-CP. Nhà nước khuyến khích sử dụng hình thức hóa đơn điện tử.

Trường hợp Chi nhánh còn hóa đơn đặt in đã thông báo phát hành và vẫn có nhu cầu tiếp tục sử dụng hóa đơn đặt in phù hợp với điều kiện thực tế của doanh nghiệp thì tiếp tục áp dụng hóa đơn đặt in theo quy định tại các Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/05/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ.

(Nguồn: Tapchitaichinh.vn; Xem chi tiết tại đây)

Về mục lục

V. Từ kỳ lương tháng 7/2020 áp dụng mức thuế thu nhập cá nhân theo mức giảm trừ gia cảnh mới

Tổng cục Thuế vừa đề nghị Cục trưởng Cục thuế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các phòng, Chi cục Thuế khẩn trương thực hiện hướng dẫn người nộp thuế kê khai, quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN ) từ tiền lương, tiền công năm 2020.

Tổng cục Thuế vừa có Công văn số 2546/TCT-DNNCN hướng dẫn tổ chức triển khai Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN.

Theo đó, mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN quy định tại Điều 1 Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 ngày 2/6/2020 được áp dụng từ kỳ tính thuế TNCN năm 2020.

Cụ thể, cơ quan thuế các tỉnh, thành phố hướng dẫn người nộp thuế thực hiện kê khai thuế và tạm nộp thuế TNCN từ tiền lương, tiền công theo mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế thuộc diện khai thuế theo tháng, tạm tính từ tháng 7/2020, hạn nộp tờ khai là ngày 20/8/2020; đối với người nộp thuế thuộc diện khai thuế theo quý, tính từ kỳ khai thuế TNCN tạm tính quý III/2020, hạn nộp tờ khai là ngày 30/10/2020.

Trường hợp các tháng, quý thuộc kỳ tính thuế năm 2020 người nộp thuế đã tạm nộp thuế TNCN từ tiền lương, tiền công theo mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật Thuế TNCN 2007 (9 triệu đồng/ tháng đối với người nộp thuế và 3,6 triệu đồng tháng đối với mỗi người phụ thuộc), cơ quan thuế có trách nhiệm hướng dẫn người nộp thuế xác định lại số thuế TNCN phải nộp của kỳ tính thuế năm 2020 theo mức giảm trừ gia cảnh quy định tại Điều 1 Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 nêu trên khi quyết toán thuế TNCN năm 2020.

(Nguồn: Tapchitaichinh.vn; Xem chi tiết tại đây)

Về mục lục

VI. Thời hạn nộp lệ phí môn bài

Theo Thông tư số 65/2020/TT-BTC ngày 9/7/2020 của Bộ Tài chính, việc khai, nộp lệ phí môn bài được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 04/10/2016 của Chính phủ quy định về lệ phí môn bài, Nghị định số 22/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 04/10/2016 của Chính phủ quy định về lệ phí môn bài và pháp luật về quản lý thuế.

Theo đó, thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30/01 hàng năm.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh (bao gồm cả chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) kết thúc thời gian được miễn lệ phí môn bài (năm thứ tư kể từ năm thành lập doanh nghiệp) trường hợp kết thúc thời gian miễn lệ phí môn bài trong thời gian 6 tháng đầu năm thì thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30/07 năm kết thúc thời gian miễn.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh kết thúc thời gian miễn lệ phí môn bài trong thời gian 6 tháng cuối năm thì thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30/01 năm liền kề năm kết thúc thời gian miễn.

Hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân sản xuất, kinh doanh đã giải thể, ra hoạt động sản xuất, kinh doanh trường hợp ra hoạt động trong 6 tháng đầu năm thì thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30/7 năm ra hoạt động; trường hợp ra hoạt động trong thời gian 6 tháng cuối năm thì thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30/01 năm liền kề năm ra hoạt động.

Việc khai lệ phí môn bài được thực hiện một lần khi người nộp lệ phí mới ra hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc mới thành lập.

Người nộp lệ phí mới ra hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc mới thành lập; doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh thực hiện khai lệ phí môn bài và nộp Tờ khai cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp trước ngày 30/01 năm sau năm mới ra hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc mới thành lập.

Hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân nộp thuế theo phương pháp khoán không phải khai lệ phí môn bài. Cơ quan thuế căn cứ tờ khai thuế, cơ sở dữ liệu ngành thuế để xác định doanh thu kinh doanh làm căn cứ tính mức lệ phí môn bài phải nộp của hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân nộp thuế theo phương pháp khoán.

(Nguồn: Tapchitaichinh.vn; Xem chi tiết tại đây)

Về mục lục

VII. Cách xác định doanh thu tính lệ phí môn bài từ ngày 23/8/2020

Thông tư số 65/2020/TT-BTC ngày 9/7/2020 của Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư số 302/2016/TT-BTC ngày 4/10/2016 hướng dẫn về lệ phí môn bài đã hướng dẫn cụ thể về doanh thu để làm căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình, địa điểm mới ra kinh doanh của hộ kinh doanh.

Theo đó, doanh thu để làm căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình (trừ cá nhân cho thuê tài sản) là tổng doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân năm trước liền kề của hoạt động sản xuất, kinh doanh (không bao gồm hoạt động cho thuê tài sản) của các địa điểm kinh doanh.

Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình đã giải thể, tạm ngừng sản xuất, kinh doanh sau đó ra kinh doanh trở lại không xác định được doanh thu của năm trước liền kề thì doanh thu làm cơ sở xác định mức thu lệ phí môn bài là doanh thu của năm tính thuế của cơ sở sản xuất, kinh doanh cùng quy mô, địa bàn, ngành nghề.

Doanh thu để làm căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân có hoạt động cho thuê tài sản là doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân của các hợp đồng cho thuê tài sản của năm tính thuế. Trường hợp cá nhân phát sinh nhiều hợp đồng cho thuê tài sản tại một địa điểm thì doanh thu để làm căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài cho địa điểm đó là tổng doanh thu từ các hợp đồng cho thuê tài sản của năm tính thuế.

Trường hợp cá nhân phát sinh cho thuê tài sản tại nhiều địa điểm thì doanh thu để làm căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài cho từng địa điểm là tổng doanh thu từ các hợp đồng cho thuê tài sản của các địa điểm của năm tính thuế, bao gồm cả trường hợp tại một địa điểm có phát sinh nhiều hợp đồng cho thuê tài sản.

Trường hợp hợp đồng cho thuê tài sản kéo dài trong nhiều năm thì nộp lệ phí môn bài theo từng năm tương ứng với số năm cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình khai nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân. Trường hợp cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình khai nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân một lần đối với hợp đồng cho thuê tài sản kéo dài trong nhiều năm thì chỉ nộp lệ phí môn bài của một năm.

Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình, địa điểm sản xuất, kinh doanh (thuộc trường hợp không được miễn lệ phí môn bài) nếu ra sản xuất kinh doanh trong 06 tháng đầu năm thì nộp mức lệ phí môn bài cả năm, nếu ra sản xuất kinh doanh trong 06 tháng cuối năm thì nộp 50% mức lệ phí môn bài của cả năm.

(Nguồn: Tapchitaichinh.vn; Xem chi tiết tại đây)

Về mục lục

VIII. Doanh nghiệp tự xác định số tiền được giảm khi tạm nộp thuế thu nhập

Khi quyết toán thuế năm 2020, nếu số thuế tạm tính giảm cao hơn số thực tế được giảm, doanh nghiệp phải nộp bổ sung và tiền chậm nộp; ngược lại, được xử lý số tiền thuế nộp thừa.

Bộ Tài chính đang gấp rút hoàn thiện Nghị định Quy định chi tiết thi hành Nghị quyết của Quốc hội về giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng.

Không phải thông báo về việc chấp nhận giảm thuế

Theo Dự thảo Nghị định, tổng doanh thu năm 2020 làm căn cứ xác định đối tượng áp dụng được giảm thuế là tổng doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong năm 2020 của doanh nghiệp.

Trường hợp doanh nghiệp thành lập trong năm 2020 không đủ 12 tháng thì tổng doanh thu được xác định bằng doanh thu thực tế của năm 2020 chia cho số tháng thực tế hoạt động sau đó nhân với 12 tháng để xác định doanh thu bình quân tháng. Nếu doanh thu không quá 16,67 tỷ đồng/tháng thì thực hiện tạm tính theo quý số thuế phải nộp, tạm nộp số thuế của quý sau khi đã giảm 30% số thuế tạm tính. Kết thúc kỳ tính thuế năm 2020, trường hợp tổng doanh thu không quá 200 tỷ đồng thì doanh nghiệp thực hiện kê khai giảm thuế thu nhập doanh nghiệp của năm 2020 khi quyết toán thuế.

Doanh nghiệp thành lập trong 3 tháng cuối năm 2019 (nộp thuế vào quý I/2020) thì số thuế thu nhập được giảm không bao gồm phần thu nhập phát sinh trong năm 2019. Trường hợp doanh nghiệp thành lập trong 3 tháng cuối năm 2020 (nộp thuế vào quý I/2021) thì vẫn được giảm số thuế thu nhập phát sinh năm 2020.

Khi thực hiện quyết toán thuế thu nhập, trường hợp số thuế tạm tính giảm cao hơn số thực tế được giảm thì doanh nghiệp phải kê khai nộp bổ sung số tiền thuế còn thiếu và tiền chậm nộp. Ngược lại, nếu số thuế tạm tính giảm thấp hơn số thực tế được giảm thì cơ quan thuế xử lý số tiền thuế nộp thừa theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Theo Dự thảo Nghị định, doanh nghiệp tự xác định số thuế được giảm khi tạm nộp thuế thu nhập theo quý và quyết toán thuế năm 2020 (hạn cuối cùng là 31/3/2021). Cụ thể, khi lập Tờ khai quyết toán thuế thu nhập năm 2020, sau khi xác định số tiền thuế được giảm thì ghi vào Chỉ tiêu 9.2 – số thuế thu nhập doanh nghiệp được miễn, giảm trên Tờ khai quyết toán thuế với nội dung “số tiền thuế được giảm kèm chú thích giảm 30% số thuế phải nộp năm 2020 theo quy định của Nghị quyết của Quốc hội”.

Cơ quan thuế không phải thông báo cho doanh nghiệp về việc chấp nhận giảm thuế. Trong thời gian giảm thuế, cơ quan thuế có cơ sở xác định doanh nghiệp không thuộc đối tượng được giảm thuế sẽ có văn bản thông báo cho doanh nghiệp về việc không giảm thuế và doanh nghiệp phải nộp đủ số tiền thuế và tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước.

Sau khi hết thời gian giảm thuế, cơ quan thuế phát hiện qua thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp không thuộc đối tượng được giảm thuế hoặc số thuế đã kê khai để giảm lớn hơn số thuế được giảm thì doanh nghiệp phải nộp lại số tiền thuế thiếu, tiền phạt và tiền chậm nộp do cơ quan thuế xác định lại vào ngân sách nhà nước. Trường hợp sau khi hết thời gian giảm thuế, qua thanh tra, kiểm tra, cơ quan thuế phát hiện doanh nghiệp được giảm nhiều hơn số thuế đã kê khai giảm trước đó thì doanh nghiệp được khai bổ sung để tiếp tục hưởng số thuế được giảm theo mức mà cơ quan thuế xác định lại.

Ngân sách giảm thu 23.000 tỷ đồng do giảm thuế

Theo thiết kế ban đầu thì chỉ giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 cho doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người. Với chính sách này, năm 2020, ngân sách nhà nước dự kiến giảm thu 15.840 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi thảo luận, Quốc hội đã quyết định mở rộng đối tượng được giảm thuế và bỏ tiêu chí số lao động mà doanh nghiệp sử dụng.

Theo ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, việc mở rộng đối tượng được giảm thuế từ quy mô không quá 50 tỷ đồng lên không quá 200 tỷ đồng khiến ngân sách nhà nước năm 2020 giảm thu khoảng 23.000 tỷ đồng, chỉ tăng khoảng 7.160 tỷ đồng so với phương án ban đầu do tình hình khó khăn nên nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ khó đạt doanh thu 200 tỷ đồng.

“Trong 6 tháng đầu năm mới hoàn thành được 45,8% dự toán thu, số thu giảm gần 4% so với cùng kỷ năm 2019. Thực hiện giảm thuế theo Nghị quyết của Quốc hội, ngân sách năm nay giảm thu ít nhất 23.000 tỷ đồng nữa nên ngành thuế phải tính xem từ nay đến cuối năm có khoản nào có thể tăng thu để bù vào”, Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Trần Xuân Hà yêu cầu ngành thuế.

“Bây giờ phải tính xem từ nay đến cuối năm thu từ đấu giá quyền sử dụng đất được bao nhiêu, thu tiền tiền cho thuê đất, tiền sử dụng đất được bao nhiêu, tiền thu nợ được bao nhiêu, đồng thời phải tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu, chống gian lận thuế mới có thể cân đối được ngân sách năm nay”, ông Hà yêu cầu.

Trong khi đó, theo ông Cao Anh Tuấn, trong 6 tháng đầu năm mới thu được 15.222 tỷ đồng tiền nợ thuế, bằng 36% nợ thuế có khả năng thu năm 2019 chuyển sang. Công tác thanh tra, kiểm tra cũng mới chỉ giúp tăng thu 10.386 tỷ đồng.

“Muốn hoàn thành dự toán đòi hỏi ngành thuế phải nắm chắc đối tượng nộp thuế, nắm chắc nguồn thu, thực hiện thu đúng, thu đủ, trên cơ sở đó tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các biện pháp khai thác triệt để nguồn thu để bù vào phần thiếu hụt. Cơ quan thuế các cấp phải xây dựng kế hoạch, phương án, biện pháp thu hồi nợ, báo cáo cấp ủy chính quyền địa phương phê duyệt và chỉ đạo thực hiện. Đồng thời thống kê, đánh giá các khoản nợ, các hồ sơ xử lý nợ theo Nghị quyết của Quốc hội, hướng dẫn của Bộ Tài chính để thực hiện trong 6 tháng cuối năm và một số năm tiếp theo. Phấn đấu trong vòng 2-3 năm phải xử lý dứt điểm các khoản nợ tồn đọng, giảm tỷ lệ nợ xuống dưới 5%”, ông Hà yêu cầu.

(Nguồn: Tapchitaichinh.vn; Xem chi tiết tại đây)

Về mục lục

IX. Bộ Tài chính giảm phí thẩm định cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 36/2020/TT-BTC quy định mức thu, nộp phí thẩm định cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; xả nước thải vào nguồn nước và hành nghề khoan nước dưới đất do cơ quan trung ương thực hiện và phí khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thuỷ văn. Quy định được áp dụng từ ngày 05/5/2020 đến hết ngày 31/12/2020.

Giảm 20% phí thẩm định cấp phép trong lĩnh vực tài nguyên nước

Theo Thông tư số 36/2020/TT-BTC, các cơ quan, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình khi nộp hồ sơ đề nghị thẩm định cấp phép thăm dò nước dưới đất; cấp phép khai thác, sử dụng nước mặt; cấp phép khai thác sử dụng nước dưới đất; cấp phép khai thác sử dụng nước biển; cấp phép xả nước thải vào nguồn nước và hành nghề khoan nước dưới đất cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện nộp phí bằng 80% mức phí quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư số 270/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ Tài chính.

Trong thời gian có hiệu lực của Thông tư này (từ ngày 05/5/2020 đến hết ngày 31/12/2020) không nộp phí thẩm định cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; xả nước thải vào nguồn nước và hành nghề khoan nước dưới đất theo mức quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư số 270/2016/TT-BTC.

Giảm 30% phí khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thuỷ văn

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi đề nghị Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn phải nộp phí khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thuỷ văn thực hiện nộp phí bằng 70% mức quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư số 197/2016/TT-BTC ngày 08/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thuỷ văn.

Trong thời gian có hiệu lực của Thông tư này, không nộp phí khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thuỷ văn theo mức quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư số 197/2016/TT-BTC.

Kể từ ngày 01/01/2021 trở đi, mức phí thẩm định cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; xả nước thải vào nguồn nước và hành nghề khoan nước dưới đất; mức phí khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thuỷ văn tiếp tục được thực hiện theo mức quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư số 197/2016/TT-BTC. 

(Nguồn: Tapchitaichinh.vn; Xem chi tiết tại đây)

Về mục lục

X. Hà Nội: Giảm ngay 50% lệ phí trước bạ ôtô sản xuất trong nước

Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, hiện cơ quan này đã có công văn chỉ đạo, hướng dẫn giảm 50% lệ phí trước bạ đối với các loại xe ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước theo quy định tại Nghị định số 70/2020/NĐ-CP trên ứng dụng quản lý trước bạ.

Để người nộp thuế biết và thực hiện, Cục Thuế TP. Hà Nội đã đăng tải nội dung Nghị định 70/2020/NĐ-CP trên trang thông tin điện tử cục thuế.

Đồng thời, ngay sau khi Nghị định 70 được ban hành, Cục Thuế TP. Hà Nội đã có công văn chỉ đạo, hướng dẫn về chính sách lệ phí trước bạ đối với ô tô theo quy định tại Nghị định 70/2020/NĐ-CP gửi đến tất cả các đơn vị trực thuộc.

Cục thuế đã hoàn thành việc tạo lập mức thu đối với các loại xe được quy định tại Nghị định số 70/2020/NĐ-CP trên ứng dụng quản lý trước bạ của cơ quan thuế, qua đó kịp thời triển khai và tạo thuận lợi cho công tác giải quyết hồ sơ khai lệ phí trước bạ cho người dân và doanh nghiệp.

Trước đó, ngày 28/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban Nghị định 70/2020/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020.

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/6 đến hết năm 2020. Theo đó, mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ôtô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ôtô và các loại xe tương tự được sản xuất, lắp ráp trong nước được thực hiện như sau:

  • Từ ngày 28/6/2020 đến hết ngày 31/12/2020, mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP của Chính phủ về lệ phí trước bạ và các nghị quyết hiện hành của HĐND, hoặc quyết định hiện hành của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương;
  • Từ ngày 01/01/2021 trở đi, mức thu lệ phí trước bạ quay trở lại thực hiện như trước thời điểm ngày 28/06/2020.

Cùng ngày 28/06/2020, Tổng cục Thuế có Công điện số 05/CĐ-TCT gửi cơ quan thuế toàn ngành thực hiện áp dụng mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 84/NQ-TTg ngày 29/5/2020./.

(Nguồn: Thoibaotaichinhvietnam.vn; Xem chi tiết tại đây)

Về mục lục

 

đăng ký nhận bản tin định kỳ

Kết nối với chúng tôi:

Facebook